Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022

Tiêu điểm
02:40 PM 12/04/2022

Sau hai phiên họp, sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết, sau hơn 4 tiếng thảo luận, thương lượng đầy căng thẳng tại phiên họp thứ 2 của Hội đồng tiền lương quốc gia, các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu thống nhất phương án trình Chính phủ tăng 6,0% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022.

Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng; vùng II tăng 240.000 đồng; vùng III tăng 210.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng.

Các bên tham gia gồm Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam.

Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022 - Ảnh 1.

Mức tăng lương tối thiểu vùng 6% kỳ vọng hỗ trợ người lao động trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: HÀ QUÂN

“Thực ra, với tư cách đại diện cho người lao động thì chúng tôi mong muốn mức lương tăng cao hơn nữa, nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì chúng tôi cho rằng mức này đã thể hiện sự chia sẻ của người lao động, của tổ chức đại diện cho người lao động với doanh nghiệp, chúng ta cùng nắm tay nhau thực hiện tốt chương trình phục hồi phát triển kinh tế của Chính phủ”, ông Ngọ Duy Hiểu nói.

Lý giải về thời điểm tăng lương từ 1/7/2022 đến 31/12/2023 (18 tháng), ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: “Thông thường mức lương tăng sẽ tính từ 1/1 của năm kế tiếp nhưng 1,5 năm qua, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, người lao động không được tăng lương. Đến nay kinh tế của chúng ta đã được phục hồi và phát triển tốt, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, do vậy các bên đã thấy cần thiết phải tăng lương.

Việc tăng lương lúc này là kịp thời để hỗ trợ, giúp người lao động vượt qua khó khăn và là động lực giúp người lao động nâng cao năng suất lao động, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Tăng lương cũng là thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ta là để khoan thư sức dân, giúp cho người lao động bước vào giai đoạn phục hồi phát triển lao động với năng suất cao”.

Về phía chủ sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, bắt đầu phục hồi, nên rất thận trọng trong việc điều chỉnh mức lương.

“Bản thân chúng tôi cũng chưa hài lòng với mức tăng lương này, chưa đáp ứng được kỳ vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp hy vọng sẽ điều chỉnh từ 1/1/2023, nếu điều chỉnh từ 1/7/2023 sẽ rất vất vả cho doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh lại các phương án kinh doanh, tăng trưởng của doanh nghiệp, trong khi các đơn hàng và kế hoạch đã được chốt từ đầu năm. Tuy nhiên, Hội đồng hoạt động với nguyên tắc đồng thuận, Hội đồng đã thống nhất mức điều chỉnh như thế này với tỷ lệ phần trăm đồng ý rất cao”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 7 đến trên 8% từ ngày 1/7/2022. Tại phiên họp, VCCI đề xuất các mức tăng từ 2%-5%.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020, 2021, Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Như vậy, hiện nay mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng theo mức cũ như sau:

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I: Lương tối thiểu vùng là 4.420.000 đồng/tháng

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II: Lương tối thiểu vùng là 3.920.000 đồng/tháng.

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III: Lương tối thiểu vùng là 3.430.000 đồng/tháng

Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV: Lương tối thiểu vùng là 3.070.000 đồng/tháng./.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn