Chủ động khám, chữa bệnh mùa nắng nóng

Xã hội
06:31 AM 26/05/2020

Hà Nội vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt đỉnh điểm nhất từ đầu mùa hè năm 2020 đến nay. Nắng nóng khiến người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng. Trước dự báo, thời tiết năm nay khắc nghiệt hơn so với mọi năm, hiện các bệnh viện đã sẵn sàng phương án tiếp nhận, bảo đảm vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khám, chữa kịp thời cho người bệnh mùa nắng nóng.

    Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến tỷ lệ trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp gia tăng. Trong ảnh: Bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Dương Ngọc

    Bệnh nhân nhập viện tăng trở lại

    Có mặt tại khu vực đăng ký khám bệnh, khu vực cấp cứu của Bệnh viện Tim Hà Nội vào thời điểm nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C trong ngày nắng nóng đỉnh điểm 21-5 vừa qua, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, lượng bệnh nhân đến đây tăng nhanh so với thời điểm trước đó. Riêng Khoa Cấp cứu của bệnh viện, trung bình tiếp nhận 40-50 bệnh nhân/ngày do suy tim, viêm phổi, tai biến mạch máu não..., trong đó có khoảng 10 trường hợp bị ảnh hưởng do nắng nóng. Đưa vào cấp cứu trong tình trạng bị đau ngực, khó thở, bà Nguyễn Thị N. (90 tuổi, ở huyện Mê Linh) được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp. Con trai bà N. nói: "Các y, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, đặt stent cho mẹ tôi. Nhờ được cấp cứu kịp thời, nên mẹ tôi đã qua cơn nguy kịch"…

    PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến bệnh viện giảm hẳn. Cuối tháng 4-2020, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả hai cơ sở của bệnh viện tiếp nhận khoảng 900 bệnh nhân/ngày, giảm 50% so với trước. Nhưng đến nay, lượng bệnh nhân đã tăng lên khoảng 1.100-1.200 người/ngày.

    Tương tự, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, số ca cấp cứu tăng khoảng 130-150% so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19, trong đó phổ biến là bị đột quỵ, viêm phổi, sốc nhiệt... Còn tại Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu Nghị), những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân vào khám bệnh do ảnh hưởng của thời tiết có xu hướng tăng với các triệu chứng: Đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim…

    Theo bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Hữu Nghị), khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi của thời tiết rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính. Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện, khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã trở nặng. Một lưu ý nữa, nắng nóng dễ khiến tăng thân nhiệt quá mức bình thường và mất nước dẫn đến sốc nhiệt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, sốc nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ.

    Nắng nóng cũng khiến lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tăng trở lại như trước khi có dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, trung bình có 1.200-1.500 người tới khám/ngày, chủ yếu là người cao tuổi mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận các trường hợp bệnh nhi đến khám với các bệnh, như: Viêm phổi, tiêu chảy, sốt vi rút… có liên quan đến nắng nóng.

    Vừa duy trì khám chữa bệnh, vừa phòng, chống dịch

    Bệnh viện Tim Hà Nội vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, vừa tăng cường năng lực tiếp nhận bệnh nhân mùa nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Quang

    Dù tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát, nhưng với lượng bệnh nhân bắt đầu tăng lên, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn duy trì phòng khám dã chiến để tiếp nhận bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19. Ngoài ra, Bệnh viện Tim Hà Nội vẫn thực hiện kê khai y tế, thiết lập máy đo thân nhiệt tự động và khử trùng vệ sinh tay cho người ra, vào…

    "Chúng tôi chỉ cho một bệnh nhân kèm một người nhà đi cùng, không cho phép khách đến thăm người bệnh. Với thời tiết nắng nóng bất lợi cho sức khỏe như hiện nay, người bệnh mạn tính nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tránh ngại đến bệnh viện sẽ làm nguy cơ bệnh tăng lên", PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Tim Hà Nội lưu ý.

    Bên cạnh đó, các bệnh viện đã tăng cường nhiều biện pháp chống nóng tại điểm đón tiếp, khám, chữa bệnh. Chẳng hạn, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong những ngày nắng đỉnh điểm vừa qua, bệnh viện đã bố trí đầy đủ điều hòa công suất lớn, quạt trần, bảo đảm đầy đủ nước uống cho người dân không chỉ tại phòng bệnh mà ngay cả phòng khám, phòng chờ và hành lang.

    Còn ở Bệnh viện Da liễu trung ương, PGS.TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc bệnh viện cho biết, công tác phòng, chống nắng nóng đã được bệnh viện triển khai từ rất sớm. Tại các hành lang, bệnh viện đều bố trí quạt công nghiệp công suất lớn, điều hòa, nước uống. Ngoài ra, bệnh viện còn có phương án đặt lịch hẹn khám, đẩy giờ khám sớm, tăng bàn khám, giúp giảm thời gian chờ đợi của người bệnh.

    Để chủ động khám, chữa bệnh cho người dân, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các bệnh viện trực thuộc đẩy mạnh các biện pháp giảm tải, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ số thuốc, vật tư phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, các bệnh viện tuyên truyền cho người dân về nội dung phòng, chống nắng nóng cũng như hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, môi trường; thực hiện ăn chín, uống sôi; uống nhiều nước; tăng cường những thực phẩm bảo đảm dinh dưỡng...

    "Những ngày nắng nóng cao điểm, người dân hạn chế ra đường (từ 10h đến 16h hằng ngày). Riêng với người cao tuổi, khi có các biểu hiện khó thở, mệt mỏi, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế, không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc về điều trị", ông Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo.

    Ý kiến của bạn