Chủ động kịch bản điều hành giá trước áp lực lạm phát tăng cao

Đầu tư và Tiếp thị
04:13 PM 01/03/2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, nghe báo cáo về kết quả công tác điều hành giá 2 tháng đầu năm, đánh giá những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, qua đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong công tác điều hành giá 10 tháng còn lại của năm 2022.

Giá cả diễn biến nhanh, đẩy lạm phát lên cao

Thị trường xăng dầu thế giới hiện diễn biến phức tạp, đặc biệt trước căng thẳng chính trị giữa Nga và Ucraine, trong khi dự trữ xăng dầu tại nhiều nước giảm và nhu cầu xăng dầu tăng khi các nước triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế khiến giá dầu thô tăng cao. Ngày 24/2 giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng; từ ngày 11/1 đến 21/2, chỉ trong vòng hơn một tháng, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng từ 15,45 – 20,88%.

Chủ động kịch bản điều hành giá trước áp lực lạm phát tăng cao - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại thị trường trong nước, từ 15h hôm nay (1/3), giá xăng đang tiến sát 27.000 đồng và ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay: xăng E5 RON 92 có giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng).

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tình hình giá cả và thị trường hàng hóa thế giới 2 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động. Giá các hàng hóa, nguyên vật liệu chiến lược tăng mạnh chủ yếu do giá xăng chưa có dấu hiệu dừng lại và sự phục hồi kinh tế tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.

Chỉ số giá hàng hóa cơ bản đầu năm 2022 đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch, trong đó nhiều nhóm hàng tăng mạnh như: năng lượng, thép công nghiệp, kim loại quý, sản phẩm nông nghiệp.

Do đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1/2022 đã tăng 0,19% và tháng 2/2022 ước tăng mạnh từ 1 - 1,1% so với tháng 12/2021. CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2022 ước tăng 1,69 - 1,73% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình áp lực lạm phát tăng cao, tại cuộc họp về công tác chỉ đạo, điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cơ quan quản lý phải kịp thời có giải pháp, chủ động trong điều hành và có giải pháp khả thi, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Chủ động điều hành giá, không để bị động

Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng 3 kịch bản điều hành giá. Tuy nhiên, các kịch bản này chủ yếu xây dựng theo giá dầu thô dưới 100 USD/thùng, trong khi hiện giá trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/thùng và dự đoán tiếp tục tăng thêm.

Chủ động kịch bản điều hành giá trước áp lực lạm phát tăng cao - Ảnh 2.

Chủ động kiểm soát lạm phát, điều hành bình ổn giá. Ảnh: VOV

"Bộ Tài chính xây dựng thêm kịch bản, lường trước tình huống xấu hơn để có giải pháp ứng phó phù hợp" - Phó Thủ tướng lưu ý và đề nghị cơ quan chức năng căn cứ thực tế, triển khai các giải pháp giữ vững bình ổn giá để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống người dân, phục vụ công tác chống dịch. Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến tình hình để có chính sách hỗ trợ phù hợp về giá và bảo đảm đủ xăng dầu phục vụ nhu cầu xã hội. Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đầu mối nhập khẩu để nhập khẩu xăng dầu hợp lý, tiết kiệm ngoại tệ, bảo đảm nhu cầu trong nước.

Về giá, cần tính toán kỹ lưỡng, tăng giá xăng dầu phải sát với thị trường, tiết kiệm tối đa có thể, theo nguyên tắc sử dụng Quỹ bình ổn giá, tiết kiệm chi phí trong kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ người dân, hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần theo dõi quản lý giá một số mặt hàng: điện, thực phẩm, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, vật tư y tế, thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh… Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá, đặc biệt là các yếu tố hình thành giá đối với những mặt hàng không thuộc diện kê khai giá; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022 về công tác điều hành giá năm 2022. 

Căn cứ vào tình hình thực tế, tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, phối hợp hài hòa giữa chính tài khóa với chính sách tiền tệ, đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác; kiểm soát các lạm phát cơ bản tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát chung.

Đối với một số dịch vụ công nhà nước định giá theo lộ trình thị trường, đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát, chuẩn bị các yêu tố để có giải pháp phù hợp trong điều kiện thích hợp.

Bộ Tài chính Bộ Tài chính bám sát nội dung Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 của Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu dự thảo Luật giá (sửa đổi) theo đúng tiến độ, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, quyền lợi hợp pháp của người dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá.

An Mai
Ý kiến của bạn
Quy mô kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore vào năm 2029 Quy mô kinh tế Việt Nam có thể vượt qua Singapore vào năm 2029

Theo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô GDP của Việt Nam sẽ sớm vượt Singapore. Đặc biệt, năm 2025 có thể đánh dấu cột mốc Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao.