Chủ động kìm giá thức ăn chăn nuôi trước đợt tăng mới
Sau Tết Nguyên đán, nhiều đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi đã thông báo tới khách hàng việc điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 16/2 - 18/2. Theo đó, thức ăn nuôi heo và gà thịt tăng thêm 300 đồng/kg, thức ăn gia cầm và heo con tăng 240 đồng/kg, các loại khác tăng 200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg cho các loại thức ăn còn lại, không áp dụng cho thức ăn thủy sản...
Giá tăng "phi mã" sau Tết
Việc tăng giá này được các công ty lý giải nhằm "ổn định chất lượng sản phẩm" và do giá nguyên liệu lên quá cao. Như vậy với mức tăng trên, giá thức ăn chăn nuôi heo tăng 7.500 đồng/bao 25kg.
Trước thông báo giá thức ăn chăn nuôi tăng ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều người chăn nuôi cho rằng trong bối cảnh giá heo, gà xuất chuồng đang ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ thịt chưa nhiều thì việc thức ăn chăn nuôi tăng liên tục gây áp lực rất lớn đối với người nuôi.
Điều này trái với kỳ vọng của người chăn nuôi sau khi giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Cụ thể, kể từ ngày 30/12/2021, Chính phủ điều chỉnh giảm thuế tối huệ quốc (MFN) của lúa mì từ 3% xuống 0% và mặt hàng ngô từ 5% xuống 2%.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nếu ở điều kiện bình thường, giá thức ăn hỗn hợp sẽ ổn định hoặc giảm xuống sau khi giảm thuế giá nguyên liệu khoảng 1-2 tháng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kèm theo căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine khiến các nước, các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tích trữ vì lo ngại giá hàng hóa leo thang, giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, giá xăng dầu cũng tăng phi mã, lên đỉnh 8 năm khiến chi phí vận chuyển, logistics đẩy giá nguyên liệu tăng theo.
Trước cơn bão giá thức ăn chăn nuôi năm 2021, Quốc hội, Chính phủ thông qua việc giảm thuế nguyên liệu nhưng chỉ có thể đỡ cho doanh nghiệp phần nào. Còn Việt Nam phụ thuộc 90% nguyên liệu của thế giới nên giá cả sẽ biến động theo xu hướng chung. Các doanh nghiệp vẫn đang tích trữ và dự đoán giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp có thể sẽ tiếp tục tăng.
Tháo gỡ khó khăn
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giải pháp trước mắt để kìm giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…) để có thể thay thế một phần nguồn nhập khẩu; thực hiện cân đối khẩu phần ăn tối ưu nhất để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước cũng như tiết kiệm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần thực hiện quản trị tốt nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi… Các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị để nâng cao hiệu quả sử dụng TACN, giảm tiêu tốn TACN.
Về các giải pháp lâu dài, do ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải sử dụng phần lớn là nguyên liệu nhập khẩu, do đó có thể thực hiện một số giải pháp nhằm ổn định nguồn cung và giá nguyên liệu nhập khẩu như: Chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường nhất định; tiến hành đàm phán với các nước xuất khẩu lớn sang Việt Nam để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên nguồn cung cho Việt Nam; nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung trong đó có thức ăn chăn nuôi…
Đặc biệt, bên cạnh các giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước và có chính sách khuyến khích xây dựng các cơ sở giết mổ quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom, chế biến phụ phẩm giết mổ sử dụng làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Đồng thời, nâng cao năng lực sản xuất một số nguyên liệu có khả năng sản xuất được trong nước, đặc biệt là các chế phẩm từ sinh vật, chế phẩm từ thảo dược; chuyển đổi một phần diện tích đất thiếu hiệu quả sang trồng cây TACN, ngô sinh khối làm TACN cho gia súc ăn cỏ- đại diện Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp sản xuất thức ăn và người chăn nuôi. Các chuyên gia cho rằng, việc cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên là việc cần phải làm. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chia sẻ với doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, không tăng giá sốc. Bởi lẽ nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng.
Hoài ThươngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.