Chủ động, sáng tạo trong kiểm soát COVID-19 tại khu công nghiệp

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:25 PM 26/05/2021

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, PGS, TS Trần Đắc Phu cho biết, hiện nay trong các KCN ở Bắc Ninh, Bắc Giang có hàng chục nghìn F1 nên cần có những biện pháp ứng phó phù hợp, linh hoạt, sáng tạo thay vì áp dụng theo đúng những hướng dẫn đã có.

Sáng 24/5, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Diễn biến tại Bắc Ninh, Bắc Giang cho thấy chúng ta phải phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nếu có thêm nhiều tỉnh xuất hiện dịch bệnh trong khu công nghiệp mà không có khai báo y tế trước, không đánh giá được nguy cơ thì sẽ rất lúng túng. Khi dịch bùng phát trong cụm công nghiệp ở TP. Chí Linh (Hải Dương), Ban Chỉ đạo đã quán triệt nhưng các tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc. Chúng ta đều có hướng dẫn từng nhà máy, xí nghiệp bất kể ở đâu, đều phải tự đánh giá việc thực hiện phòng chống dịch bệnh và cập nhật thông tin liên hệ thống an toàn COVID (antoancovid.vn) nhưng mới được rất ít. Bộ Công Thương, chính quyền địa phương phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa”.

Vì vậy, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp, ban hành văn bản hướng dẫn yêu cầu tất cả người làm việc trong các KCN tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế.

Chủ động, sáng tạo trong kiểm soát COVID-19 tại khu công nghiệp - Ảnh 1.

Chủ động, sáng tạo trong kiểm soát COVID-19 tại khu công nghiệp

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay (12h ngày 25/5), cả nước có 2.505 ca nhiễm COVID-19, chủ yếu trong các KCN. Tại Bắc Giang, số ca nhiễm mới liên quan đến KCN vẫn tăng cao, chủ yếu trong khu cách ly, phần lớn của Công ty Hosiden Việt Nam (KCN Quang Châu) và với khoảng 4.000 công nhân của công ty này đang cách ly. Đáng lo ngại, gần đây, mỗi ngày Bắc Giang đều ghi nhận số ca nhiễm lớn, chủ yếu do tiếp xúc gần với ca nhiễm trong KCN. Vì vậy, Bắc Giang đang tập trung phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, khu vực nhà trọ công nhân. Dự kiến, sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca nhiễm mới liên quan đến KCN từ địa phương này.

Còn tại Bắc Ninh, tính từ ngày 27/4 đến trưa 25/5, có 507 ca mắc COVID-19. Với Công ty SPICA ELASTIC Việt Nam (KCN Quế Võ 1), ngày 20/5 ghi nhận 1 ca dương tính đầu tiên, có 290 F1 và đến nay ghi nhận thêm 15 ca dương tính. Ứng phó với chùm ca này, Bắc Ninh đã khoanh vùng tại Quế Võ và đơn vị liên quan. Tất cả công nhân nhà máy được coi là F1 và đang được lấy mẫu gộp cùng các thành viên gia đình. Đối với ổ dịch trong công ty Canon đã kiểm soát được và dự kiến ngày 25/5 trở lại hoạt động.

Tuy nhiên, do biến chủng mới COVID-19 có tốc độ lây lan mạnh, xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có mật độ dân số cao; đặc biệt trong tỉnh có 10 KCN đang hoạt động với hơn 400.000 công nhân lao động, công tác phòng, chống dịch còn còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Tại cuộc họp, ông Trần Đắc Phu phân tích, trong một nhà máy khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR theo mẫu đơn, phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, cơ quan chức năng cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng, những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn. Đồng thời, có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như cách đã làm cách ly tại nhà đối với F2.

Ông Phu kiến nghị, Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, kể cả cách ly F1, F2.

Cùng quan điểm với ông Trần Đắc Phu, nhiều ý kiến cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 này diễn biến phức tạp và khả năng kéo dài lâu hơn, để thực hiện mục tiêu kép thì cần có sự linh hoạt, sáng tạo hơn trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.