Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính: Đầu tư 200 tỷ đồng/km cao tốc là 'hơi cao', cần tính toán lại
Với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km cao tốc Bắc - Nam, tức khoảng 200 tỷ đồng/km, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng mức đầu tư này "hơi cao", do đó, cần phải tính toán kỹ lưỡng suất đầu tư.
- Bức tranh tài chính 10 năm của ACB: Hậu “cú sốc” bầu Kiên, nhà băng này đã hồi sinh nhờ Chủ tịch Trần Hùng Huy như thế nào?
- Inforgraphic: Con số và sự kiện tài chính ngân hàng cần biết trước ngày 07/01
- Sử dụng đòn bẩy tài chính “lướt sóng” nhà phố, biệt thự dự án, nhà đầu tư kiếm lời tiền tỷ trong tay
Chiều 6/1, tiếp theo chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Bên cạnh đó, một số đại biểu băn khoăn về một số vấn đề liên quan đến suất đầu tư, thời gian triển khai, quy mô triển khai dự án.
Cho ý kiến về dự án, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, với tổng mức đầu tư sơ bộ 146.990 tỉ đồng làm 729km đường cao tốc Bắc-Nam - tương đương hơn 200 tỉ đồng/km. Theo ông Cường, suất đầu tư này là khá cao.
"Đương nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tính suất đầu tư căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật song cũng đề nghị bộ xem lại", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nêu ý kiến.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn báo cáo mới đây của Kiểm Toán Nhà nước tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc Nam là 152,9 tỉ đồng/km, trong khi Chính phủ đề xuất là 175 tỉ đồng/km (không gồm giải phóng mặt bằng). Do đó, ông đề nghị tính toán lại suất đầu tư, về mặt kỹ thuật phải làm rõ.
Đại biểu An góp ý thêm, dự án này liên quan tới hạ tầng kỹ thuật lớn, nhất là đoạn Cần Thơ - Cà Mau đất yếu thì cần phải tính tới các kỹ thuật thi công, cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo kỹ thuật, an toàn, hiệu quả về kinh tế. Về chủ trương đầu tư, Chính phủ giao các địa phương đẩy nhanh tiến độ nhưng phải hết sức cân nhắc. Trước nay, các dự án cao tốc do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, do đó việc giao các địa phương triển khai phải có tiêu chí cụ thể, địa phương nào, tuyến nào…
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng tổng mức đầu tư mới là khái toán, chứ chưa lập dự án, chưa lập dự toán, chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức đầu tư cao hay thấp.
"Mức bình quân đầu tư đường cao tốc hiện nay là 200 tỉ/km, nhưng còn tùy vào nền đường vì nền đường mỗi vùng khác nhau. Khi lập dự toán, phê duyệt dự án, Bộ Giao thông vận tải phải chịu trách nhiệm về mức độ chính xác của tổng mức đầu tư, thiết kế dự toán", ông Phớc nói và cho hay tổng dự toán bao giờ cũng nhỏ hơn tổng mức đầu tư và theo lý thuyết thì quyết toán nhỏ hơn dự toán.
Đối với việc đấu thầu trạm thu phí và thu hồi vốn sau 5-7 năm, ông Phớc cho biết Bộ Giao thông vận tải đưa ra phương án đầu tư bằng phương thức BOT, thu phí trong 15 năm. Tuy nhiên, khi tính toán lại sẽ đặt 4 trạm, tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, thì hiệu quả hơn nhiều khi thời gian thu phí chỉ còn 5-7 năm, giúp Nhà nước sớm thu hồi vốn.
Cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ chủ trương đầu tư tuyến đường này bằng ngân sách nhà nước, song để đảm bảo tiến độ cần tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư.
Chỉ ra thực tế là ở nước ta, do giải phóng mặt bằng nên công tác đầu tư gấp gáp, quá trình thi công kéo dài. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị công tác giải phóng mặt bằng nên giao cho địa phương đảm nhận, đảm bảo quyền lợi người dân trong dự án.
Ông cũng lưu ý, phải làm tốt hơn nữa công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra; không để gây thất thoát, lãng phí trong quá trình thi công dự án.
"Mong rằng Quốc hội sẽ thông qua với cơ chế giám sát rất cụ thể. Chúng ta tạo sự chủ động, nhanh hơn nhưng cũng phải tăng cường giám sát để chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm chất lượng công trình", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
HM (T/h)Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.