Chủ tịch điều hành và nhà sáng lập Pacific Group: Doanh nghiệp cần đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Pacific Group là một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực tư vấn và phát triển năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với tầm nhìn phát triển bền vững thông qua việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và làm giảm thiểu tác động của con người lên môi trường. Sau những động thái của chính quyền Donald Trump về thuế quan trong thời gian qua cùng bối cảnh thị trường tín chỉ carbon, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Điều hành và Người Sáng lập Pacific Group nói về sự tác động này đến Việt Nam.
Phóng viên (PV): Chính quyền ông Trump được đánh giá có lập trường cứng rắn về thương mại. Liệu tín chỉ carbon có thể bị xem như một "hàng hóa" và chịu thuế quan từ Mỹ không?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Quan điểm của chính quyền Trump thì ta đã rõ. Ông Trump coi trọng bảo hộ thương mại, đặc biệt với hàng hóa nhập khẩu. Ông nêu quan điểm này cách đây hơn 30 năm rồi và kiên định với quan điểm đó. Tuy nhiên, tín chỉ carbon là công cụ thuộc thị trường môi trường, không phải hàng hóa truyền thống nên khó bị áp thuế trực tiếp. Xét rủi ro gián tiến thì nếu Mỹ xem việc mua tín chỉ carbon từ nước ngoài (như Việt Nam) là lợi thế cạnh tranh "không công bằng" cho hàng hóa xuất khẩu, họ có thể điều chỉnh thuế biên giới carbon (CBAM) hoặc thuế chống bán phá giá.
Ta có thể tham khảo từ EU: EU đang triển khai CBAM và Mỹ có thể làm tương tự nếu quan ngại về "carbon leakage" (doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất sang nước có chuẩn carbon thấp). Nhìn chung tín chỉ carbon khó bị đánh thuế trực tiếp nhưng hàng hóa Việt Nam có thể chịu thuế cao hơn ,nếu không đáp ứng tiêu chuẩn carbon của Mỹ.

Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch điều hành và nhà sáng lập Pacific Group
PV: Hồi đầu năm, chính quyền Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Vậy, liệu Mỹ có tiếp tục mua tín chỉ carbon từ Việt Nam không?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Hiệp định Paris không quyết định thị trường carbon cho dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, các bang (như California) và doanh nghiệp Mỹ vẫn tự nguyện tham gia thị trường carbon để đáp ứng mục tiêu ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị). Ngoài ra, như tôi chia sẻ ở lần trước, các doanh nghiệp tư nhân của Mỹ vẫn đeo đuổi mục tiêu trung hòa carbon. Các tập đoàn như Apple, Amazon cam kết trung hòa carbon, có thể mua tín chỉ từ Việt Nam thông qua cơ chế tự nguyện (VCS, Gold Standard).
Cập nhật mới nhất tuần này, Meta và EFM hợp tác để cung cấp 676.000 tín chỉ carbon rừng vào năm 2035. EFM, một công ty đầu tư và quản lý rừng, đã ký một thỏa thuận dài hạn với Meta. Họ sẽ cung cấp 676.000 tín chỉ loại bỏ carbon vào năm 2035. Thỏa thuận này sẽ chuyển đổi 68.000 mẫu Anh rừng trên Bán đảo Olympic của Washington thành "quản lý thông minh về khí hậu", loại bỏ hơn một triệu tấn khí thải carbon trong mười năm tới.
Còn xét về rào cản, nếu chính quyền Trump cắt giảm ưu đãi cho doanh nghiệp mua tín chỉ, nhu cầu có thể giảm. Thị trường carbon vẫn sôi động, giao dịch tín chỉ carbon vẫn diễn ra nhưng chủ yếu do khu vực tư nhân dẫn dắt, không phải từ chính sách liên bang.

Chính quyền ông Donald Trump ưu tiên ngành dầu khí.
PV: Nếu Mỹ áp dụng thuế carbon tại biên giới, Việt Nam sẽ phải làm gì để tránh bị đánh thuế cao đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Điều đầu tiên là nâng cao năng lực đo lường carbon. Cần xây dựng hệ thống MRV (Đo đạc, Báo cáo, Thẩm định) phát thải minh bạch để chứng minh giảm carbon cho hàng hóa xuất khẩu. Tiếp là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, giảm phụ thuộc vào than đá (hiện chiếm khoảng 50% điện năng) để làm giảm dấu chân carbon của sản phẩm. Việt Nam cũng có thể đàm phán song phương với Mỹ nhằm thúc đẩy thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn carbon với Mỹ (ví dụ: chứng chỉ REC cho năng lượng sạch). Ngoài ra nên tính chuyện hợp tác với các tiểu bang có chính sách khí hậu tiến bộ (như California) để xuất khẩu tín chỉ.
PV: Ông Trump ưu tiên ngành dầu khí hơn là năng lượng tái tạo. Với việc ông Trump đắc cử, liệu dòng vốn đầu tư Mỹ vào lĩnh vực kinh tế xanh tại Việt Nam có bị suy giảm không?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Xét về ngắn hạn là có. Dòng vốn từ liên bang Mỹ vào dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp bền vững tại Việt Nam có thể giảm do ưu tiên của ông Trump cho dầu khí. Nhưng dài hạn thì các quỹ đầu tư tư nhân Mỹ (BlackRock, Goldman Sachs) vẫn quan tâm đến ESG, đặc biệt nếu Việt Nam có chính sách hấp dẫn. Chúng ta có lợi thế cạnh tranh là chi phí lao động thấp, tiềm năng điện mặt trời, điện gió lớn nên vẫn thu hút nhà đầu tư lớn từ Mỹ ,vì người đi đầu tư thì họ quan tâm nơi đầu tư có tiềm năng sinh lời thôi, chúng ta vẫn có thể thu hút nhà đầu tư dù chính sách Mỹ thay đổi.
PV: Việt Nam nên chuẩn bị chiến lược gì để thu hút các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh nếu chính sách của ông Trump không ưu tiên lĩnh vực này?
Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Miễn giảm thuế cho dự án năng lượng sạch, hỗ trợ vốn đối ứng. Cái mà nhà đầu tư Hoa Kỳ e ngại nhất là việc triển khai các quy định của Việt Nam. Việt Nam có thể nhân cơ hội này cải cách pháp lý. Rõ ràng hóa quy định về PPP (hợp tác công-tư) trong lĩnh vực tái tạo, cho phép doanh nghiệp Mỹ ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Các quy định chi tiết về DPPA thì Việt Nam đã ban hành rồi, cần thực thi tốt và rốt ráo, đừng để nhà đầu tư bị nản. Còn khi triển khai chính sách, quy định tốt, có sự hỗ trợ tốt của các ban, ngành thì nhà đầu tư mà nhìn thấy cơ hội làm ăn tốt thì họ sẽ vào thôi.
Việt Nam đã đặt mục tiêu Net zero 2050 và rất kiên định với mục tiêu này. Chúng ta có thể khuếch trương việc xây dựng thương hiệu quốc gia, cụ thể là: cần tuyên truyền, quảng bá với thế giới biết Việt Nam là trung tâm sản xuất "xanh" ở Đông Nam Á, kết hợp với các hiệp định như RCEP để đa dạng hóa thị trường. Cho dù ông Trump không ưu tiên lĩnh vực này nhưng nếu ông là nhà kinh doanh tài ba, ông đến Việt Nam nhìn thấy thông điệp "trung tâm sản xuất xanh" thì ông cũng nhìn ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp nước của ông.
Nên tăng cường hợp tác địa phương và khối tư nhân. khuyến khích các bang và doanh nghiệp Mỹ ký thỏa thuận riêng (ví dụ: tập đoàn Walmart đặt hàng nông sản carbon thấp từ Việt Nam).
Dù chính quyền ông Trump có thể không ưu tiên kinh tế xanh, Việt Nam vẫn có cơ hội thông qua việc thích ứng với thuế carbon nhằm giảm phát thải trong chuỗi cung ứng. Chúng ta không nên để phụ thuôc vào một bên cho nên buộc phải đa dạng hóa đối tác. Về thị trường Mỹ thì chúng ta có thể tập trung vào thị trường tư nhân và các tiểu bang có chính sách khí hậu mạnh và nó cũng là dịp tốt xây dựng chính sách để nâng cấp công nghiệp bền vững, hấp dẫn nhà đầu tư dài hạn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Minh Yến - Hồ Tĩnh
Trong quá trình phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn.