Chủ tịch DKRA Vietnam: Một năm vượt bão Covid-19, doanh nghiệp “được nhiều hơn mất”

Doanh nghiệp - Doanh nhân
03:43 PM 24/01/2022

Tại buổi trò chuyện đầu năm 2022, cận những ngày Tết Nguyên đán, ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DKRA Vietnam đã có những chia sẻ thú vị về thị trường BĐS, cùng những trải nghiệm của một doanh nghiệp địa ốc sau khi trải qua “sóng gió” Covid 19.

2021 là năm khó khăn "chưa từng có" nhưng cũng đầy thú vị

Nhìn lại một năm khó khăn của thị trường BĐS, cũng là nhìn lại cách "vượt bão" của các doanh nghiệp địa ốc. Họ đã làm gì, đối mặt ra sao, vượt lên thách thức thế nào để trụ lại, tiếp tục những định hướng cho tương lai. Đó có lẽ là câu chuyện không hề dễ dàng khi mà dịch Covid-19 đã "oanh tạc" hai năm qua, đặc biệt với các doanh nghiệp BĐS phía Nam khi trải qua thời gian giãn cách kéo dài gần nửa năm 2021.

Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc DKRA Vietnam, năm 2021 là năm khó khăn chưa từng có, thị trường chưa từng có kinh nghiệm trong quá khứ. Có thể nói, cả thị trường BĐS phải "gồng mình" để vượt qua, đôi khi tưởng chừng quá sức. Thế nhưng, đó cũng chính là thời kì thử thách sức bền của doanh nghiệp BĐS.

"Tâm lý của thị trường BĐS bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch. Trong đó, tâm lý nhà đầu tư có thiên hướng tìm kiếm sự an toàn, phòng thủ thay vì đầu tư, mua bán. Các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp BĐS vì thế bị ngưng trệ", ông Lâm cho hay.

Hầu hết các doanh nghiệp BĐS đều rơi vào trạng thái "bối rối". Ngay khi đợt dịch lần 4 xảy ra, giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp chưa biết ứng biến như thế nào, không biết làm gì tốt nhất để vượt qua. Nhất là vào tháng 6/2021 là giai đoạn cực kì khó khăn đối với các doanh nghiệp địa ốc.

Chủ tịch DKRA Vietnam: Một năm vượt bão Covid-19, doanh nghiệp “được nhiều hơn mất” - Ảnh 1.

Ông Phạm Lâm chia sẻ cách "vượt bão" của doanh nghiệp trong năm 2021 và những chia sẻ thú vị về TT BĐS năm 2022

Thế nhưng, theo ông Phạm Lâm, chính lúc thị trường khó khăn nhất lại là lúc mà một số doanh nghiệp mạnh mẽ nhất để tìm hướng đi. 2021 vừa là năm thử thách, vừa là năm thích ứng "vượt bão" của doanh nghiệp địa ốc. Có thể xem là năm "sống còn" của các doanh nghiệp BĐS. Theo đó, những doanh nghiệp vượt qua được, đó là dấu ấn không thể nào quên.

"Ở thời điểm cam go đó, DKRA Vietnam không thể định lượng rõ thời gian là 3 tháng hay 6 tháng dịch chấm dứt. Vì thế, bài toán đặt ra là doanh nghiệp xác định dịch lâu dài, xây dựng 3-4 kịch bản để thích ứng với tình hình; đồng thời có nguồn tài chính để tích trữ trước đó để phân bổ cho hợp lý", Chủ tịch DKRA Vietnam chia sẻ. 

Đầu tiên, theo ông Lâm, doanh nghiệp tập trung vào việc duy trì nguồn lực, không cho ai nghỉ việc, đồng thời cả hệ thống ngồi lại để tìm hướng đi, tiếp tục duy trì công việc. Tức, xác định giữ vững nguồn lực là kịch bản trọng tâm lúc bấy giờ.

Tiếp theo, điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp với tình hình dịch bệnh, cả hệ thống chia sẻ khó khăn với nhau; xây dựng chính sách động viên tinh thần nhân viên, tạo sự đoàn kết trong hệ thống. Cùng với đó, doanh nghiệp tổ chức làm việc online liên tục, duy trì hoạt động kinh doanh "mở" bằng online, tận dụng triệt để công nghệ vào thời điểm này.

Vị thuyền trưởng này cho biết, ngay trong mùa cao điểm của dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn triển khai bán các dự án, duy trì hoạt động kinh doanh dù đánh giá tình hình không khả quan. Kết quả, đến khoảng tháng 7 và 8/2021, khi cả hệ thống và khách hàng đã thích nghi với tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp đã chuyển cọc online thành công hơn 200 sản phẩm ngay trong thời kì giãn cách xã hội. "Đó là một sự khích lệ vô cùng lớn đối với doanh nghiệp lúc bấy giờ. Và ngay khi dịch còn diễn biến phức tạp, chúng tôi đã mạnh dạn triển khai một dự án ở tỉnh Bình Thuận. Dự án vừa ở xa, nhân viên và khách hàng không thể gặp gỡ nhau xem dự án, thế nhưng vẫn đạt được kết quả khá bất ngờ", ông Phạm Lâm cho hay.

Theo ông Lâm, có lẽ sau khi trải qua những tháng ngày giãn cách, tâm lý của người mua bắt đầu quen thuộc, dần ổn định và tin tưởng vào thị trường BĐS. Nhu cầu tìm kiếm BĐS tăng lên trong bối cảnh không có nhiều sản phẩm để lựa chọn, chưa tìm được kênh đầu tư hợp lý được xem nguyên nhân "kích thích" thị trường tăng trưởng vào giai đoạn hậu giãn cách.

"Có thể nói năm 2021 là năm khó khăn nhưng cũng đầy thú vị. Thú vị là bởi, đầu năm và giữa năm thị trường bi quan, nhưng đến cuối năm thị trường BĐS bật tăng trở lại một cách bất ngờ. Nhiều doanh nghiệp mở bán thành công dự án, sức mua quan tâm BĐS tăng lên mạnh mẽ. Có thể thấy, khi mọi thứ đi vào kiểm soát, lập tức thị trường tăng trưởng, hưng phấn và lạc quan…", Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh.

Năm 2022 – lạc quan trong thận trọng!

Theo ông Phạm Lâm, thị trường BĐS năm 2022 được đánh giá là lạc quan, hấp dẫn, có những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với năm 2020 và 2021.

Cụ thể, năm 2022, chính sách về đầu tư công, tăng cường giải ngân cho các dự án hạ tầng giao thông là động lực thúc đẩy mạnh mẽ thị trường BĐS phát triển.

Hoạt động xuất nhập khẩu và FDI trong năm 2021 tuy có giảm nhưng vẫn tích cực, kéo theo BĐS công nghiệp và logistic từ đó gián tiếp dẫn đến BĐS nhà ở phát triển theo.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán dù có nhiều biến động nhưng vẫn rất tiềm năng phát triển. Đây là thị trường có sự liên đới trực tiếp đến thị trường BĐS. Như cách nói của nhiều người "chứng khoán còn xanh thì BĐS còn tươi".

Cơ chế chính sách trong việc cải thiện về quy trình thủ tục pháp lý, giải quyết tháo gỡ các vướng mắc khó khăn với dự án BĐS cũng đang được thúc đẩy, kì vọng sẽ tích cực trong năm 2022, tác động đến sự phát triển của thị trường BĐS.

Tiếp đến, Bộ xây dựng đang tăng cường chương trình Nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và hướng đến 2030 trong đó tập trung nhà ở công nhân lao động và Nhà ở xã hội và Nhà ở vừa túi tiền. Đây cũng là động lực để thị trường BĐS phát triển.

Chủ tịch DKRA Vietnam: Một năm vượt bão Covid-19, doanh nghiệp “được nhiều hơn mất” - Ảnh 2.

Theo ông Lâm, thị trường BĐS năm 2022 sẽ lạc quan hơn năm 2020 và 2021. NĐT nếu có đủ kỹ năng, kiến thức và tài chính vẫn tham gia "lướt sóng" được, nhưng khuyến khích NĐT tầm nhìn trung - dài hạn khi tham gia thị trường BĐS

Trong bối cảnh tâm lý chống dịch đã bắt đầu ổn định và thích ứng, nhiều cơ hội cho các thị trường du lịch trong và ngoài nước mở rộng. Đó cũng là điểm tích cực.

Ngoài ra, một yếu tố nữa đó là lãi suất cho vay đang ở mức hấp dẫn, nhiều nhà đầu tư có thể sử dụng đòn bẩy tài chính tham gia thị trường, từ đó giúp cho hoạt động đầu tư BĐS kì vọng khởi sắc.

"Có một điều không thể phủ nhận là từ trước đến nay, BĐS vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, là tài sản tích luỹ ăn sâu vào tâm lý của người Việt. Họ làm gì cuối cùng cũng đi mua BĐS làm tài sản để dành. Chính quan điểm này là nền tảng tốt để thị trường BĐS còn cơ hội phát triển lâu dài ", ông Lâm khẳng định.

Chưa kể, lực lượng tham gia thị trường BĐS ngày càng có xu hướng trẻ hoá, cơ chế chính sách cũng linh hoạt khiến đối tượng người mua trẻ tuổi có cơ hội tham gia thị trường ngày càng nhiều. Họ có thể sắp xếp được kế hoạch tài chính, dùng lương để mua nhà hoặc ứng dụng công nghệ vào đầu tư BĐS, chia nhỏ các khoản đầu tư để tham gia đầu tư căn hộ, nhà phố, đất nền…. Đây cũng chính là xu hướng sẽ phát triển trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch DKRA, thị trường BĐS năm 2022 là lạc quan trong thận trọng. Bởi lẽ, dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để, tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư vẫn là nghe ngóng, chờ đợi bên cạnh các nhà đầu tư lạc quan, sẵn sàng tham gia thị trường. Dĩ nhiên, nhóm NĐT còn bi quan vào thị trường không nhiều nhưng cũng khiến ở một vài phân khúc BĐS bị chậm nhịp.

Chia sẻ thêm về kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2022, ông Phạm Lâm cho hay: Chiến lược xuyên suốt của DKRA trong năm 2022 là mở rộng phạm vi hoạt động, tiếp cận các thị trường BĐS mới, đặc biệt chú ý đến các thị trường có phạm vi toàn quốc như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Phú Quốc bên cạnh các thị trường lâu nay như Tp.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận…và năm 2026, sẽ tiếp tục tăng cường các thị trường khác.

Đồng thời, tăng cường các mảng hoạt động chuyên sâu như nghiên cứu, tiếp thị - phân phối, tư vấn, quản lý BĐS….lấn sân sang mảng BĐS cao cấp, hạng sang, nghỉ dưỡng tại Tp.HCM và các tỉnh lân cận, tức tăng cường hoạt động đa dạng trên nhiều phân khúc, thị trường. Xác định BĐS cao cấp và nghỉ dưỡng là mảng chủ lực.

"Chiến lược xuyên suốt là thiết lập tiêu chuẩn dịch vụ chất lượng cao với toàn thị trường BĐS, tập trung vào khâu đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp nguồn nhân lực bằng nhiều giải pháp khác nhau để đáp ứng được mục tiêu này", Chủ tịch DKRA Vietnam nhấn mạnh.

Như vậy, có thể nói năm 2021 là "được nhiều hơn mất" của DKRA Vietnam? "Tôi thấy, đó là một năm thú vị. Là năm mà cả tập thể cùng định vị lại, thử thách bản lĩnh để có được bước tiến rõ rệt, mà giá trị mang lại là sự đồng lòng, đoàn kết của nhiều con người…", vị Chủ tịch này nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc giá BĐS liên tục thiết lập mặt bằng mới, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến bước đi của thị trường BĐS năm 2022, ông Phạm Lâm cho rằng, với những điều kiện như hiện tại, giá BĐS sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2022 và các năm tới. Thị trường chưa có dấu hiệu bất thường từ việc tăng giá. Tuy nhiên, hệ luỵ là người có nhu cầu mua ở thực ngày càng khó tiếp cận chốn an cư; giá tăng cao cũng thách thức đến bộ phận nhà đầu tư tham gia thị trường. Tuy vậy, mỗi phân khúc sẽ có một đối tượng khách hàng riêng, khác nhau. Những NĐT có tài chính tốt sẽ chọn BĐS cao cấp, hạng sang; những NĐT có dòng vốn vừa tầm sẽ tìm BĐS phù hợp, có giá trị thấp hơn. Đồng thời, theo ông Lâm, năm 2022 trở đi, ứng dụng mô hình đầu tư tài chính vào BĐS dự báo sẽ bùng nổ, ứng dụng công nghệ vào đầu tư BĐS sẽ giải quyết được bài toán thiếu hụt tài chính cho nhiều đối tượng NĐT muốn tham gia thị trường BĐS.

"Tôi nhận thấy, trên thị trường hiện nay, có những phân khúc giá cao nhưng có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín, xây dựng chất lượng, thanh khoản vẫn rất tốt, thậm chí cháy hàng trong giai đoạn đầu mở bán. Điều này cho thấy, nhu cầu vẫn đa dạng ở các phân khúc khác nhau trên thị trường ", ông Lâm khẳng định.

Chủ tịch DKRA Vietnam: Một năm vượt bão Covid-19, doanh nghiệp “được nhiều hơn mất” - Ảnh 3.

Với BĐS, Chủ tịch DKRA Vietnam cho rằng, sự kém hấp dẫn của BĐS không nằm ở phân khúc mà nằm ở chất lượng dự án và nhà phát triển BĐS không đủ năng lực. Nếu trước đây, bán BĐS cạnh tranh về giá thì hiện nay là cạnh tranh về thương hiệu, chất lượng xây dựng, dịch vụ. Những CĐT không đủ năng lực phát triển dự án sẽ không nhận được sự quan tâm của thị trường.

"Người mua BĐS hiện nay quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Mà hiệu quả đến từ chất lượng sản phẩm, từ CĐT uy tín, dịch vụ cộng thêm tốt. Từ đó mới gia tăng giá trị đầu tư cho họ. Câu chuyện hiện nay của thị trường BĐS là phát triển bền vững, là giá trị mang lại cho người mua được kiểm chứng bằng những dự án đã làm", ông Phạm Lâm khẳng định.

Liệu năm 2022 có còn cơ hội đầu tư lướt sóng? "Nếu đủ kỹ năng, kiến thức và năng lực tài chính thì vẫn có thể lướt sóng BĐS. Thế nhưng, tôi luôn khuyến khích các nhà đầu tư nên có tầm nhìn trung dài hạn khi tham gia vào thị trường BĐS. Điều lớn hơn là phải đề cao sự an toàn trong đầu tư, đặt niềm tin vào các công ty uy tín, có năng lực được kiểm chứng. Năm 2022 là năm thuận lợi để đầu tư BĐS, nhà đầu tư nên lựa chọn các thị trường có tính ổn định thay vì các thị trường mới nổi. BĐS căn hộ nội đô và nhà gắn liền với đất vẫn được xem là các phân khúc hấp dẫn NĐT trong giai đoạn tới", ông Phạm Lâm dành lời khuyên.

Hạ Vy
Ý kiến của bạn