Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc"

Đầu tư và Tiếp thị
10:16 PM 14/12/2022

Đó là một trong những khẳng định của ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong buổi chủ trì Hội nghị "Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022" được tổ chức vào ngày 14/12.

Dự Hội nghị "Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022" của Thành phố Hà Nội ngoài lãnh đạo các sở, ngành còn có đại diện của 10 ngân hàng thương mại cổ phần, 9 hiệp hội nghề nghiệp và 60 lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp.

Hà Nội "đứng cạnh, đi cạnh các doanh nghiệp"

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, năm 2022, vượt qua khó khăn, kinh tế Thủ đô đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 8.922 (tăng 2,4%); có khoảng 30.000 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 25%); lũy kế số doanh nghiệp đăng ký thành lập trên địa bàn đạt 351.000 doanh nghiệp.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc" - Ảnh 1.

Hội nghị "Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022".

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, vừa qua HĐND TP đã có tổng kết đánh giá công tác năm 2022, trong đó khẳng định kết quả tích cực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cũng như sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp đối với thành quả phát triển chung của thành phố.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của tình hình thế giới, Hà Nội vẫn đạt 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2022, trong đó, có 5 chỉ tiêu đạt vượt so với kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thủ đô đạt hơn 8,8%... Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội được TP duy trì ổn định trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Hà Nội. Doanh nghiệp chính là ''cỗ máy'' của nền kinh tế, tập thể UBND TP chỉ là CPU thực hiện vận hành.

Những ngày cuối năm 2022 là thời điểm có những khó khăn, trong đó có tài chính, tiền tệ, thị trường. Vì vậy, lãnh đạo thành phố muốn lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp từ chuyện hằng ngày đến dài hạn… với mục tiêu là "đứng cạnh, đi cạnh các doanh nghiệp".

Doanh nghiệp Hà Nội vẫn than khát vốn

Trong số 12 ý kiến chia sẻ tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh cho biết, thời gian qua, việc ban hành các chính sách của Chính phủ và TP đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, ông Quốc Anh đánh giá hiện nay tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất. Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần doanh nghiệp không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện như số lượng lao động nghỉ việc, doanh thu của doanh nghiệp… Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc" - Ảnh 2.

Ông Quốc Anh đánh giá hiện nay tình hình doanh nghiệp đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất.

Cũng đang gặp khó khăn về nguồn vốn, Chủ tịch Hội doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) Lê Vĩnh Sơn cho rằng việc giải ngân còn chậm. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn rất khó khăn; đặc biệt là từ Quý II/2022 trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ họ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, vừa qua, chính sách về việc nới room tín dụng là một tín hiệu tốt song vẫn là chưa đủ với "cơn khát vốn" của doanh nghiệp. Ngay khi có những thông tin về gói hỗ trợ 2% lãi suất, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ niềm vui, song lại không tránh khỏi lo lắng về điều kiện thủ tục của gói hỗ trợ này dù thời gian gần đây, chính sách vay vốn đã cởi mở hơn, các ngân hàng cũng hỗ trợ tích cực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận vốn tín dụng.

Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội Nguyễn Phúc Long chia sẻ: "Doanh nghiệp đang thực sự khát vốn nhưng hầu như không có nguồn vốn giá rẻ, nhiều doanh nghiệp phải kinh doanh với nguồn vốn lãi suất lên tới 15-16%/năm, thậm chí cao hơn".

Trong khi đó, chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công… đều tăng cao và còn đứt gãy, dẫn đến hàng hóa sản phẩm khó tiêu thụ, dòng tiền mất cân đối… Việc cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động đang diễn ra. Một doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã phải cắt giảm tới 80% lao động….

Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách, trong tháng 12 và đầu tháng 1/2023 để đưa nguồn tín dụng mới mà Ngân hàng Nhà nước nới (room) hạn mức đến trúng và đúng đối tượng; ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và ngành nghề thiết yếu, doanh nghiệp có mối liên kết chuỗi cung ứng rộng, tránh "nước chảy chỗ trũng", nguồn vốn chảy hết vào các doanh nghiệp lớn.

Thành phố cũng cần điều tiết hoạt động tín dụng ngân hàng một cách phù hợp, tránh để lãi suất leo cao; hỗ trợ khơi thông dòng vốn cho các dự án bất động sản dang dở để hoàn thành giúp giải quyết nhu cầu nhà ở, tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản, thúc đẩy lưu thông cho các ngành nghề kinh tế khác trong giai đoạn cấp bách cuối năm.

"Gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất"

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, năm 2022, thành công trên khía cạnh kinh tế và an sinh xã hội có đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội và các tập đoàn, công ty lớn đóng trên địa bàn Thủ đô. TP may mắn vì trong đại dịch Covid-19 đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời và có trách nhiệm của cộng đồng các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh: "Đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc" - Ảnh 3.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết đang tăng cường phân cấp thủ tục hành chính cấp TP cho các cấp dưới để thủ tục "gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất".

"Thay mặt Ban Cán sự Đảng TP, các sở ngành, quận, huyện, thị xã và người dân Thủ đô, tôi ghi nhận, biểu dương, cảm ơn những nỗ lực đóng góp không mệt mỏi của các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn…" – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn chung, cộng đồng các doanh nghiệp đã đóng góp hết mình hỗ trợ sự phát triển ổn định của TP. Những tháng cuối năm 2022 và hết quý I/2023 được dự báo sẽ cực kỳ khó khăn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, tập thể UBND TP Hà Nội quyết định tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe, chia sẻ, trao đổi, có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay cho cộng đồng các doanh nghiệp.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các sở ngành tổng hợp, có văn bản trả lời sớm nhất đối với từng kiến nghị của doanh nghiệp. Ông Thanh yêu cầu các cơ quan quản lý của TP phải coi việc của doanh nghiệp cũng như công việc của nhà mình. "Chim sẻ gọi đại bàng mà đại bàng không trả lời thì chim sẻ sẽ mất phương hướng…", ông Trần Sỹ Thanh nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp, tập đoàn lớn có kiến nghị đề xuất cụ thể để TP phân loại nhóm chính sách. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tất cả vấn đề, bao gồm cả các chính sách mang tầm Quốc gia.

Ngoài các vấn đề cụ thể, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết các doanh nghiệp có nguyện vọng, mong mỏi đề nghị TP quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính. TP thừa nhận công tác phối hợp giữa các sở ngành vẫn còn những tồn tại, thời gian tới sẽ tập trung giải quyết. Đặc biệt là tích cực đưa công nghệ vào xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết đang tăng cường phân cấp thủ tục hành chính cấp TP cho các cấp dưới để thủ tục "gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất". 

"Lãnh đạo UBND TP chia sẻ, luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không đứng ngoài cuộc. Trên cơ sở lắng nghe, thấu hiểu lẫn nhau, trong thẩm quyền có nội dung gì giải đáp được ngay tại hội nghị thì chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện. Với những nội dung vượt thẩm quyền, TP sẽ tổng hợp, có báo cáo lên Thủ tướng để Chính phủ thấu hiểu, có các giải pháp kịp thời, khả thi hơn. Thành phố sẽ phải quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính, đặc biệt là việc phối hợp giữa các sở ngành. Đây là vấn đề tồn tại mà chúng tôi đang nỗ lực giải quyết bằng nhiều cách. Tinh thần là phải đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp và người dân", ông Trần Sỹ Thanh nói.

Mai Phương
Ý kiến của bạn