Chủ tịch HHDN Thanh Hóa: Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như bây giờ
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hoá, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã tham gia phát biểu tham luận. Bài tham luận khẳng định: “Chưa bao giờ doanh nghiệp khó khăn như bây giờ nên rất cần được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa”.
Mở đầu bài tham luận, ông Cao Tiến Đoan nhấn mạnh: "Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp (DN) lại đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay. Theo thống kê, số doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường hiện cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường".
Theo ông Đoan, trước đây, các sở, ngành nỗ lực, cố gắng để được giao nhiều việc, nhưng bây giờ thì ngược lại, khi được giao việc lại đùn đẩy (càng không giao việc càng tốt) làm trì trệ trong khâu giải quyết thủ tục hành chính.
Dẫn đến nhiều công trình, dự án bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất cơ hội đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Doanh nghiệp - yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế đang trong tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt. Chưa khi nào, cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình với nhiều thách thức như hiện nay. Theo thống kê số lượng doanh nghiệp phải đóng cửa, rút lui khỏi thị trường hiện cao hơn nhiều số doanh nghiệp thành lập mới.
Nguyên nhân chính được Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa chỉ ra là: Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều doanh nghiệp vừa bắt đầu phục hồi lại phải đóng cửa do các quy định của pháp luật chưa phù hợp nhất là phòng cháy chữa cháy, điện đóm chập chờn, lạm phát tăng cao. Tình hình kinh tế chung suy thoái, đơn hàng sụt giảm, khó tiếp cận các gói tín dụng…
Thời điểm khó khăn nhưng quá trình cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp của cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, quyết liệt. Gần đây xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh ngày càng khó khăn hơn. "Đây được coi là cơn bão ngầm trong hành chính", gây xói mòn lòng tin, hy vọng của các nhà đầu tư.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cấp chính quyền Thanh Hóa đứng thứ 47 trên cả nước. Điều này phản ánh sự xung đột khi môi trường đầu tư của tỉnh là điểm đến rất hấp dẫn, nhưng doanh nghiệp lại chưa hài lòng trong khâu cải cách hành chính của cán bộ, công chức.
Để giải cứu các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn, Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực không ngừng, tự nâng cấp, thích ứng của doanh nghiệp theo thị trường. Thanh Hóa cần tiếp tục tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, loại bỏ những quy định không còn phù hợp, tháo gỡ các điểm nghẽn và có những giải pháp mang tính đột phá hơn.
Sớm có giải pháp xóa bỏ nỗi sợ trách nhiệm đang lan tràn trong bộ máy công quyền, ban hành quy định bảo vệ, động viên, khích lệ người có tinh thần trách nhiệm, dám xả thân cho công việc. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh cần rà soát, xem xét không nên bố trí những cán bộ né tránh công việc, đùn đẩy, nhũng nhiễu vào các vị trí đầu mối trong giải quyết công việc. Cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà thì phải kiên quyết xử lý, thay thế.
Ông Đoan cho biết thêm: "Hiện nay tỉnh ta đang xảy ra tình trạng cùng một vụ việc nhưng giao cho quá nhiều sở ban ngành chủ trì dẫn đến việc kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành thủ tục dự án. Đề nghị lãnh đạo tỉnh xem xét một vụ việc chỉ nên giao cho một đơn vị chủ trì tổng hợp ý kiến của các ngành để tham mưu, từ đó rút ngắn được thời gian".
Ông Cao Tiến Đoan khẳng định: "Cộng đồng DN rất mong muốn và kêu gọi đến các cấp ủy, Đảng, chính quyền hãy cùng đồng hành, cùng nhau đoàn kết, tháo gỡ khó khăn cho DN. Tạo điều kiện tốt nhất cho DN vực dậy trong giai đoạn được coi là DN đang "ốm yếu" như hiện nay. Cộng đồng DN khẳng định và cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh ra sức thi đua, sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, tạo ra nhiều của cải vật chất để phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế phát triển của tỉnh Thanh Hóa".
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa Lê Sỹ Nghiêm cũng đã thừa nhận có sự nhũng nhiễu, bôi trơn trong quá trình cấp sổ đỏ, đo đạc, bàn giao đất. Do vướng nhiều các quy định của pháp luật, giải phóng mặt bằng, định mức sử dụng, chuyển đổi đất lúa… dẫn tới nhiều nhà đầu tư gặp khó trong quá trình triển khai dự án.
Vũ QuỳnhGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.