Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nghệ An cần tận dụng lợi thế riêng, tạo nên kỳ tích sông Lam

Chính trị - xã hội
10:11 AM 13/12/2021

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, mong muốn tỉnh sẽ tận dụng được các lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, tạo nên "kỳ tích sông Lam".

Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An vào chiều ngày 11/12 trong chuyến thăm và làm việc với địa phương với sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ngành Trung ương.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nghệ An cần tận dụng lợi thế riêng, tạo nên kỳ tích sông Lam - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An

Cần cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để Nghệ An “cất cánh”

Báo cáo trước Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã tác động lên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội suốt thời gian qua nhưng địa phương đã nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo và từng bước khắc phục khó khăn để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra.

Qua đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 6,2%; khu vực nông, lâm ước tăng 5,59%; Công nghiệp - Xây dựng tăng 13,59%; Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước thực hiện 17.678 tỷ đồng, đạt 126% dự toán, ước cuối năm đạt trên 18.000 tỷ đồng…

Trên lĩnh vực thu hút đầu tư, trong năm 2021, Nghệ An có tổng vốn đăng ký trên 28.000 tỷ đồng, tăng 41,3% về số lượng dự án và gấp 2,9 lần số vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu là điểm sáng, ước năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,950 tỷ USD, vượt xa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, một tín hiệu rất mừng cho địa phương đó là tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đây được xem như “bệ phóng” để kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An sớm “cất cánh” vươn xa, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị 3 nội dung cần sự quan tâm của Chủ tịch nước và Trung ương, Quốc hội, Chính phủ gồm: Bố trí thêm nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

Tiếp tục quan tâm giúp Nghệ An thu hút đầu tư các dự án lớn có tính động lực, tạo đột phá phát triển; Ủng hộ tỉnh Nghệ An phát triển hạ tầng chiến lược (cảng nước sâu, nâng cấp Sân bay Vinh, đường vành đai biên giới).

Mặt khác, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp địa phương triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt là ban hành Nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, giúp tỉnh Nghệ An phát triển trở thành tỉnh khá như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm

Sau khi nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với những tiềm năng và lợi thế như vậy, Nghệ An hiện nay đã đủ điều kiện để “cất cánh”, vươn lên trong thời gian tới.

Chủ tịch nước cho rằng, các chỉ số tăng trưởng của Nghệ An có được như hiện nay là nhờ vào nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và sự đoàn kết của tập thể lãnh đạo, nhân dân tỉnh nhà. Qua đó, địa phương đã từng bước giải quyết được tình trạng “tỉnh mở, sở thắt”, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp, tác động xấu tới mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt để làm tốt công tác an sinh xã hội.

“Tỉnh cũng đã quyết tâm cao và vượt khó để duy trì và phát triển phong trào cách mạng của địa phương. Vì không có quyết tâm thì không làm được gì cả, bởi trong mọi việc, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Ngoài quyết tâm thì tỉnh còn có sự năng động, sáng tạo về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Tại buổi làm việc với Ban thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, địa phương có nhiều tiềm năng nhưng chưa được phát huy hiệu quả, nhất là nhân tố con người, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có nhiều dự án lớn, động lực tạo đột phá, doanh nghiệp khá đông nhưng chưa mạnh, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng cao còn lớn.

“Điều quan trọng nhất không phải là cơ chế, chính sách, mà là sức mạnh nội tại chúng ta phải làm gì để có một Nghị quyết thành công mới của Nghệ An, một sức sống mới, một tinh thần trách nhiệm mới từ Đảng bộ cấp xã đến cấp tỉnh” – Chủ tịch nước đánh giá.

Qua đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tỉnh Nghệ An cần tập trung phát triển 3 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Tp Vinh – Thị xã Cửa Lò, các huyện Đông Nam của tỉnh gắn với vùng Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; Vùng Thị xã Hoàng Mai – Huyện Quỳnh Lưu gắn với vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An; miền Tây Nghệ An.

Trước ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ hứa sẽ tiếp thu nghiêm túc, lĩnh hội đầy đủ, toàn diện những phát biểu chỉ đạo, định hướng của Chủ tịch nước và các thành viên đoàn công tác.

Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An cũng phát biểu rằng, trước sự quan tâm, chỉ đạo của Trung uơng, địa phương sẽ phấn đấu đến năm 2025 đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của phía Bắc và đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Nghệ An cần tận dụng lợi thế riêng, tạo nên kỳ tích sông Lam - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Trung ương tới dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng ngày 12/12 tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn

Sáng ngày 12/12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Trung ương cũng đã tới Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An để dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tham dự lễ, về phía Trung ương còn có các đồng chí: Nông Đức Mạnh - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Trương Tấn Sang - nguyên Chủ tịch nước; Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Thủ tướng Chính phủ.

Thái Quảng
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.