Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Địa phương
09:34 AM 20/08/2023

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2/9, tối 19/8, tại Quảng trường Hai Bà Trưng, TP Long Xuyên, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh An Giang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lẵng hoa chúc mừng tại buổi Lễ.

Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch nước: Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Dự lễ còn có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; Mẹ Việt Nam anh hùng, các lão thành Cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và thân nhân Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang đọc diễn văn ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Đọc diễn văn ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang cho biết, 135 năm trước, ngày 20/8/1888, tại Cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành, hạt Long Xuyên; nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên (An Giang), Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra trong một gia đình trung nông. Lúc thiếu thời, Bác Tôn theo học "nho học", học chữ quốc ngữ và học trường sơ cấp tiểu học Đông Dương tại Long Xuyên. Tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và nhân sinh quan cách mạng được khơi dậy từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, của nhóm "Đông Kinh nghĩa thục". Học xong tiểu học, Bác Tôn rời An Giang đi học làm thợ ở trường Bá Nghệ Sài Gòn và trở thành người công nhân thợ máy.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 3.

Với tinh thần dân tộc, tận mắt chứng kiến giai cấp công nhân bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột; lòng yêu nước cháy bỏng bầu nhiệt huyết cách mạng trong Bác. Người trực tiếp tổ chức, lãnh đạo và tham gia cuộc bãi công ở xưởng Ba Son; bãi khóa của học sinh Trường Bá Nghệ vào năm 1912 gây chấn động cho giới cầm quyền thực dân, tạo ảnh hưởng lớn trong tầng lớp công nhân. Năm 1916, Bác bị bắt đi lính làm thợ cho hải quân Pháp ở quân cảng Tu-long. Ngày 20/4/1919, trên chiến hạm Frăn-xơ ở Biển Đen, người thợ máy Tôn Đức Thắng thực hiện hành động phi thường - kéo cờ đỏ phản chiến, ủng hộ Cách mạng tháng 10 Nga và biểu thị tình đoàn kết với những người bạn Nga Xô Viết.

Sau cuộc binh biến bên bờ Hắc Hải, Bác bị trục xuất về nước. Nhưng với kinh nghiệm từ phong trào công nhân, công đoàn Pháp, Bác Tôn đã thành lập Công hội bí mật - tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân nước ta; Bác lãnh đạo, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh; điển hình là cuộc bãi công ở Ba Son, đánh dấu bước phát triển mới về tính tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam.

Khi tổ chức "Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội" được thành lập ở Quảng Châu - Trung Quốc, Bác Tôn gia nhập tổ chức này tại Sài Gòn và nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận. Kể từ đây, tư tưởng, tình cảm của Bác Tôn được soi sáng bởi Chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi xướng.

Cuối năm 1929, Bác Tôn bị thực dân Pháp bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, sau đó bị kết án 20 năm khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Với bao cực hình tàn bạo của chế độ nhà tù thực dân, nhưng Bác vẫn giữ trọn khí tiết, vững niềm tin vào con đường cách mạng. Cũng chính nơi "địa ngục trần gian" này, người chiến sĩ Tôn Đức Thắng cùng với những chiến sĩ kiên trung khác "biến nhà tù thành trường học cộng sản"; Bác tổ chức thành lập Chi bộ ĐCS đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 5.

Hoạt cảnh tái hiện cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ Côn Đảo trở về đất liền, lúc này Pháp bội ước gây hấn, hồng cướp nước ta lần nữa, Bác bắt tay ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Đầu năm 1946, Bác Tôn được điều động ra Hà Nội công tác bên cạnh Bác Hồ, được Trung ương Đảng, Chính phủ phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng, như: Ủy viên Thường trực rồi Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội; tháng 4/1947 được phân công làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tháng 01/1948 Bác được bầu vào BCH TƯ Đảng; được phân công làm Trưởng Ban TƯ vận động thi đua ái quốc; được giao nhiệm vụ Quyền Trưởng Ban rồi Trưởng Ban Thường trực Quốc hội; tháng 3/1951 được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Mặt trận Liên Việt; tháng 9/1951 Bác được bầu làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 6.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao quà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa II (tháng 7/1960) Bác Tôn được bầu làm Phó Chủ tịch nước. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta "về cõi vĩnh hằng", tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa III tháng 9/1969, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam cho đến lúc Người vĩnh biệt chúng ta.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến - nhà lãnh đạo tiêu biểu cho tư tưởng đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương về tinh thần yêu nước; lòng trung thành tuyệt đối, sự tận tụy và đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực; Đức tính khiêm tốn, giản dị, tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần quốc tế vô sản cao cả.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 7.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 8.

Các tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật “An Giang - Khát vọng thăng hoa”.

Với 92 tuổi đời, 70 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng có công lao to lớn đối với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới. Bác được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng; Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô tặng Huân chương Lênin; Ủy ban Giải thưởng quốc tế trao tặng Giải "Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc"; và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.

Trong lời phát biểu tại lễ trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần, kiệm, liêm, chính; suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Với miền Nam thân yêu, với miền đất An Giang ruột thịt, Bác Tôn luôn dành tình cảm sâu nặng; Bác mong được sát cánh, chia sẻ gian khổ hy sinh để sớm ngày giải phóng quê hương. Người nhiều lần đề đạt với Bác Hồ, với Trung ương Đảng nguyện vọng trở về cùng đồng chí, đồng bào Nam bộ tham gia kháng chiến. Tháng 10/1975, Bác Tôn về thăm quê hương sau 30 năm xa cách; thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, chuyện trò với đồng chí, đồng bào quê nhà tuy ngắn ngủi nhưng để lại niềm xúc động, bùi ngùi và lòng kính trọng về Bác đối với các thế hệ người dân An Giang mãi về sau.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 9.

Trong tác phẩm: "Tôn Đức Thắng: Một con người bình thường - Vĩ đại", Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "… Di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người…".

Ngày 20/3/1980, Bác Tôn vĩnh viễn rời xa chúng ta. Thông cáo đặc biệt của BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam, UBTV QH, Hội đồng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẳng định:…"Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà yêu nước vĩ đại, người cộng sản kiên cường mẫu mực, người lãnh đạo kính mến của giai cấp công nhân và Nhân dân các dân tộc nước ta"… "…Đồng chí đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội…".

Tự hào với vùng đất đã sinh ra người con bình dị mà vô cùng cao quý; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang luôn khắc ghi lời chỉ dạy của Bác lúc về thăm quê hương, Bác căn dặn: các đồng chí "Phải đoàn kết, phấn đấu trở thành một tỉnh giàu mạnh, nhân dân ấm no, ai cũng được học hành như Bác Hồ mong muốn".

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 10.

Trãi qua hơn 93 năm từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân An Giang kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; noi gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, luôn đoàn kết, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhấn mạnh, từ tỉnh thiếu lương thực trong những năm 1975 sau giải phóng, đến nay, An Giang trở thành một trong các tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương lực quốc gia và xuất khẩu; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; QP-AN được bảo đảm, chủ quyền biên giới được giữ vững; tình hữu nghị giữa ta và Vương quốc Campuchia được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân được tôn trọng, phát huy.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng - Ảnh 11.

Các tiết mục văn nghệ trong chương trình nghệ thuật “An Giang - Khát vọng thăng hoa”.

Những năm gần đây, mặc dù tình hình thế giới, trong nước gặp không ít khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng khách quan khác, nhưng với quyết tâm chính trị, tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, khôi phục và phát triển; thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực; các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chăm lo đồng bào dân tộc và xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt. Lĩnh vực y tế được quan tâm, cơ sở vật chất, đảm bảo yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được đặc biệt quan tâm. Trong đó, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với học tập tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21, của BCH TƯ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trở thành việc làm thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng.

Bằng tất cả lòng thành kính tri ân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang, nhất là thế hệ trẻ hôm nay nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng và cách mạng; không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương sáng ngời của người cộng sản Tôn Đức Thắng. 

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang nguyện đoàn kết một lòng; ra sức học tập, công tác; nêu cao ý chí tự lực tự cường; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo; khai thác tiềm năng thế mạnh; tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng tỉnh An Giang ngày càng giàu đẹp - văn minh; như kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua tứ thơ đề tặng An Giang nhân dịp về thăm, làm việc năm 2018:

"An Giang đã nói là làm,

Đã đi là đến, đã bàn là thông;

Đã quyết là dốc một lòng,

Quê hương vẫy gọi, Đảng mong, dân chờ".

Văn Dương
Ý kiến của bạn
ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050 ADB: Châu Á và Thái Bình Dương sẽ có khoảng 1,2 tỷ người cao tuổi vào năm 2050

Theo ADB, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở Châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỷ người vào năm 2050—tương đương một phần tư dân số—làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.