Chủ tịch Phan Văn Mãi: 'Hà Nội có Luật Thủ đô, TP.HCM nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt?'
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết trăn trở của lãnh đạo thành phố là nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt, hay có khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt để TP.HCM có "áo vừa vặn, phù hợp và đẹp".
Sáng 18/2, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - đánh giá năm 2021 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Theo ông Mãi, TP.HCM thực hiện việc này khi dịch COVID-19 bùng phát nên cả hệ thống chính trị vừa phải căng mình phòng chống dịch, vừa triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội… nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng, dù có một số kết quả chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Ở góc độ CCHC, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đã chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác CCHC trên địa bàn.
Điển hình như việc ứng dụng số. Theo ông Phan Văn Mãi, trước dịch thành phố tự tin khi chuyển đổi số ở nhóm đứng đầu. Nhưng khi dịch xảy ra thì từ mô hình, quy trình hoạt động, cơ sở dữ liệu, hạ tầng… gặp nhiều khó khăn.
Dữ liệu có nhưng liên thông rời rạc, sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau cũng khó và còn rất nhiều bất cập. Do đó, cần tập trung mạnh mẽ đầu việc này trong năm 2022.
Chủ tịch UBND TP.HCM còn nhắc đến "điểm tắc" rất lớn trong giải quyết thủ tục hành chính là sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, giữa các cơ quan của thành phố với các quận huyện, giữa các cấp các ngành.
"Nếu chúng ta mà chưa giải quyết được vấn đề này thì khó mà nói ra bên ngoài với người dân và doanh nghiệp" – ông Phan Văn Mãi nói và đề nghị các sở ngành, quận huyện cần phân tích kỹ để có giải pháp cải thiện trong năm 2022. Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM cần tháo gỡ, bằng cách rà soát lại để có một chỉ thị về CCHC, trong đó có quy chế phối hợp giữa các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho rằng cần lập tổ công tác để thúc đẩy việc xử lý thủ tục hành chính giữa các ngành, các địa phương.
Về nhiệm vụ trong năm 2022, Chủ tịch Phan Văn Mãi đưa ra nhiều vấn đề trọng tâm, trong đó ông nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị và Nghị quyết 111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Theo ông Mãi, đến tháng 7/2022, TP.HCM sẽ sơ kết một năm thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Do đó, ông đề nghị các sở ngành, quận huyện tập trung từ nay đến lúc đó tiến hành sơ kết để nhận diện từng vấn đề, từ đó kịp thời điều chỉnh, kiến nghị và tìm giải pháp tháo gỡ. “Những mô hình, giải pháp hay đã được khẳng định thì cần nhân rộng, để có tính đồng bộ cho cả TP” – ông khẳng định.
Một nhiệm vụ khác trong năm nay là TP.HCM sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Từ tổng kết này, TP sẽ có đề xuất với Quốc hội.
“Có hai vấn đề, trong quá trình tổng kết, TP.HCM sẽ đánh giá và tìm hướng đề xuất, trong đó có hướng đề xuất Quốc hội có tiếp tục, gia hạn, bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54. Tuy nhiên có một hướng khác là chúng ta tiếp cận đề xuất giống như Hà Nội có Luật Thủ đô, đối với TP.HCM nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt, hay có khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt để chúng ta có cái áo vừa vặn, phù hợp và đẹp” – ông Mãi nói và cho rằng đây là trăn trở của lãnh đạo TP.HCM.
Ông Mãi mong lãnh đạo các sở ngành, quận huyện của TP.HCM tiếp tục suy nghĩ, trăn trở và góp ý để có cách tiếp cận phù hợp nhất trong đề xuất khi tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, để làm sao TP.HCM có một cơ chế đặc thù. “Như nhiều cán bộ hưu trí, chuyên gia mong muốn TP.HCM không chỉ cần có một cơ chế đặc thù mà còn là đột phá, vượt trội để phát triển” – ông Mãi nói.
HM (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.