Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh An Giang
Sáng 18/3, trong chuyến công tác tại tỉnh An Giang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh An Giang về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo với đoàn công tác tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Nguyễn Thanh Bình cho biết, Để chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, An Giang đã thành lập 16 ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh tại 16 đơn vị bầu cử và 3 ban bầu cử đại biểu Quốc hội tại 3 đơn vị bầu. Thực hiện Công văn số 64/VPHĐCQG-TT của Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, UBND các cấp đã thành lập 107 ban cấp huyện, 1.156 ban cấp xã; đồng thời phân chia thành 1.394 khu vực bỏ phiếu, trong đó, có 14 khu vực bỏ phiếu tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Đến 17 giờ ngày 14/3/2021, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tiếp nhận 15 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và 110 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026(trong đó có 01 trường hợp ứng cử đại biểu Quốc hội, 02 trường hợp ứng cử đại biểu HĐND tỉnh).
Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội được bầu trên địa bàn tỉnh là 09 đại biểu, trong đó, số đại biểu làm việc tại địa phương là 05 đại biểu, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 04 đại biểu; tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 17 người. Tổng số đại biểu HĐND tỉnh được bầu là 62 đại biểu, tổng số người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa X là 108 người, (trong đó, khối Đảng 18 người, khối Nhà nước 28 người, khối lực lượng vũ trang 3 người, khối Tư pháp 01 người, khối Mặt trận, đoàn thể và các thành phần khác là 58 người).
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang còn cho biết thêm, chiều nay 18/3 tỉnh cũng đang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ những người ứng cử để lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, bảo đảm hoàn thành đúng thời gian quy định. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được giải quyết kịp thời, không để hình thành điểm nóng; nhân sự trước khi được giới thiệu ứng cử đều được rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chính trị thận trọng, kỹ lưỡng.
Để đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự và y tế cho cuộc bầu cử, Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế Ủy ban bầu cử tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các phương án để bảo vệ tốt công tác bầu cử trên cơ sở phân công, phối hợp giữa 3 lực lượng: công an, quân sự, y tế; giải quyết, xử lí các khiếu nại, khiếu kiện nếu có phát sinh một cách triệt để, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, không để phát sinh các "điểm nóng", phức tạp về ANTT, an toàn xã hội; đảm bảo không để lọt lộ bí mật nhà nước về thông tin nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, kịch bản về phòng, chống dịch COVID-19 (theo cấp độ cao, thấp) để ứng phó kịp thời, hiệu quả trong thời điểm diễn ra bầu cử.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia đánh giá tỉnh An Giang đã có báo cáo với đề cương giám sát, kiểm tra rõ ràng và khá đầy đủ. Để việc triển khai công tác tổ chức bầu cử được tốt nhất, trong thời gian tới, An Giang cần chủ động hơn trong các phương án để bảo đảm y tế nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khi An Giang là tỉnh có đường biên giới dài giáp Campuchia.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian tới, sau Hội nghị hiệp thương lần hai, An Giang cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng tới bầu cử; chú ý công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong ngày bầu cử 23/5/2021; chủ động các phương án để bảo đảm y tế nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Khi niêm yết danh sách nếu cần giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền, tuân theo nguyên tắc.
Sau khi niêm yết danh sách, cần tạo thuận lợi cho người dân đi làm ăn ở xa về tỉnh tham gia công tác bỏ phiếu, nhất là địa điểm bỏ phiếu, tập huấn nghiệp vụ, tài liệu cần cải tiến thêm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cờ hoa, pano, áp phích… sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra ngay đầu năm; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị lớn thứ hai. Việc triển khai công tác bầu cử, nhất là sau Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là nhiệm vụ quan trọng hiện nay. Chủ tịch Quốc hội lưu ý Văn phòng Ủy ban bầu cử quốc gia hướng dẫn cung cấp tài liệu kịp thời để phục vụ in ấn tài liệu tuyên truyền về bầu cử, hỏi - đáp về bầu cử đảm bảo đầy đủ và đúng quy định.
Nhất trí với 07 nhiệm vụ trọng tâm của An Giang đề ra tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia lưu ý với tỉnh An Giang cần thường xuyên cập nhật tài liệu, văn bản hướng dẫn của Trung ương; tăng cường thực hiện hỏi - đáp về bầu cử, về tuyên truyền qua sóng phát thanh, truyền hình, báo chí để người dân nắm được thông tin; triển khai tập huấn nghiệp vụ bầu cử; phân công thành viên kiểm tra, giám sát cũng như chuẩn bị tốt điều kiện cơ sở vật chất nhằm bảo đảm phục vụ tốt công tác bầu cử ở địa phương.
Văn DươngVới 506 tỷ USD, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ sản xuất và đầu tư nước ngoài.