Chủ tịch Tập Cận Bình: Trung Quốc cân nhắc tham gia Hiệp định CPTPP

Thế giới 24H
04:10 PM 21/11/2020

Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ cân nhắc việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Getty)

Điều này đã được ông Tập Cận Bình tuyên bố ngày 20/11 tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tổ chức theo hình thức trực tuyến do Malaysia chủ trì.

Trước đó, Trung Quốc là một trong 15 quốc gia đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP hiện được xem là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Nếu Trung Quốc tham gia CPTPP, điều này có nghĩa là quốc gia Đông Á sẽ là thành viên của 2 hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực. Trong khi đó, Mỹ đều không tham gia 2 hiệp định này, động thái mà giới quan sát cho rằng có thể tác động tới tầm ảnh hưởng của Washington về vấn đề thương mại tại khu vực.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh châu Á - Thái Bình Dương cần giữ vững vị thế đi đầu trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định, duy trì cơ chế đa phương, thúc đẩy một nền kinh tế thế giới mở cửa. Ông kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC nỗ lực hết sức để "hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là nòng cốt, thúc đẩy thương mại tự do và mở cửa cũng như đầu tư, đồng thời giúp cho quá trình toàn cầu hóa kinh tế trở nên rộng mở, toàn diện, cân bằng và có lợi hơn cho tất cả các bên".

Ban đầu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết vào ngày 6 tháng 2 năm 2016 tại New Zealand sau bảy năm đàm phán. Văn kiện được ký kết bởi đại diện của 12 quốc gia - Úc, Brunei, Việt Nam, Canada, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Chile và Nhật Bản.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP. Kết quả là, 11 quốc gia còn lại đã ký một văn kiện mới về việc thành lập khu vực thương mại tự do vào tháng 5 năm 2019 - Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ về Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định có hiệu lực từ ngày 30 tháng 12 năm 2018. Đến nay, Hiệp định đã được Úc, Việt Nam, Canada, New Zealand, Mexico, Singapore và Nhật Bản phê chuẩn. Giờ đây, các quốc gia thuộc hiệp hội này chiếm khoảng 13% GDP của hành tinh và có khoảng 500 triệu người sinh sống.


Linh Nhi
Ý kiến của bạn
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp đà phát triển bền vững

Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.