Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An làm việc với Sở Giao thông vận tải

Địa phương
10:40 AM 19/04/2022

Mới đây, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Sở GTVT tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành triển khai toàn diện, đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển ngành trong năm 2021 và Quý I/2022. Tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước từ quy hoạch, kế hoạch, quản lý chất lượng công trình giao thông, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, kiểm định phương tiện, thanh tra giao thông, an toàn giao thông và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đều có chuyển biến và đạt nhiều kết quả tích cực.

Nghệ An: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Giao thông vận tải - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi làm việc

Hiện có 11 dự án với tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng đang triển khai thực hiện và khởi công mới do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Trong năm 2021, Sở đã giải ngân được 740,635 tỷ đồng, đạt 97% so với kế hoạch vốn đã bố trí đầu năm, đạt 61% so với kế hoạch vốn cả năm 2021. Số vốn còn lại chưa giải ngân là 470,103 tỷ đồng. Quý I/2022, tổng số vốn đã bố trí là 1.979,526 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2021 tăng 160%); ước giải ngân 559 tỷ đồng, đạt 28% so với kế hoạch vốn đã bố trí.

Tất cả các công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư cơ bản đạt chất lượng, phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác sử dụng như: Dự án Đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò; Đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền; Nâng cấp QL15; các dự án LRAMP; các dự án sửa chữa, nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 15, 7B, 48, 48B, 48D, 48E, 16, các tuyến đường tỉnh,

Nghệ An: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Giao thông vận tải - Ảnh 2.

Đồng chí Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở GTVT

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở đã ban hành nhiều văn bản để tham mưu, chỉ đạo, điều hành hoạt động vận tải phù hợp theo từng thời điểm. Đặc biệt, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 15/CT- TTg, 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và thời gian thực hiện nâng biện pháp cách ly xã hội lên một mức so với Chỉ thị 16 tại các địa phương. Qua đó, đảm bảo hoạt động vận tải đặc biệt là vận tải hàng hóa được thông suốt, kịp thời trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Sở GTVT đã kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc tăng cường biên chế cho lực lượng thanh tra Sở. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm ưu tiên bố trí bổ sung đủ phần vốn còn thiếu trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành đồng bộ các dự án quan trọng, trọng điểm của tỉnh như: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An) đoạn Km7 – Km76; Đường Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền; Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2); Đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ); Đường tránh thị trấn Nam Đàn.

Nghệ An: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Giao thông vận tải - Ảnh 3.

Những công trình đang thi công trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Trước những khó khăn ngành GTVT đang gặp phải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đề nghị Sở GTVT trong quá trình xây dựng quy hoạch giao thông cần phải gắn chặt với quy hoạch xây dựng đô thị thông minh; quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông phải gắn với quy hoạch hạ tầng khác; đảm bảo chất lượng các công trình do Sở làm chủ đầu tư, đồng thời quan tâm, kiểm tra chất lượng các công trình, dự án do Chủ đầu tư khác thực hiện. Sở cần phối hợp với cơ quan liên ngành để chấn chỉnh các vi phạm về hoạt động vận tải, nhất là các vi phạm chở quá số người quy định; xe quá khổ, quá tải... Bên cạnh đó, Sở cần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu.

Bên cạnh đó, Sở cần tăng cường chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền; phối hợp với các lực lượng chức năng khác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là hành vi cơi nới thùng xe, chở quá tải, quá khổ... Tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Đảm bảo công tác đào tạo, thi sát hạch, cấp Giấy phép lái xe; kiểm soát tốt đăng kiểm chất lượng phương tiện.

Sở cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số, tích hợp các phần mềm dùng chung, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thủ tục hành chính được giải quyết ở mức độ 4. Cùng với đó, quan tâm, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhất là trong sử dụng vốn; thực hiện đầu thấu các dự án phải minh bạch, công khai.

Nghệ An: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung làm việc với Sở Giao thông vận tải - Ảnh 4.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành Giao thông vận tải đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của các địa phương

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của ngành Giao thông vận tải đối với phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và của các địa phương. Đối với Nghệ An, một trong số ít các địa phương có đầy đủ loại hình giao thông như đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không thì vai trò của ngành giao thông lại càng quan trọng hơn. 

Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện nguồn lực hạn chế nhưng đầu tư cho lĩnh vực giao thông luôn được Trung ương cũng như tỉnh đặc biệt quan tâm, điều này thể hiện rõ qua việc phân bổ vốn qua từng nhiệm kỳ, đơn cử như nhiệm kỳ 2016-2020, tỷ trọng nguồn vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực giao thông chiếm hơn 36%, sang nhiệm kỳ  kỳ 2021-2025, tỷ trọng này được nâng lên 54% trong tổng số nguồn vốn đầu tư công... Việc quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực giao thông là xuất phát từ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong công tác thu hút đầu tư, giao thương, đi lại.

Ngọc Tú
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.