Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất biện pháp kích cầu hậu Covid-19
Tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19. Hà Nội sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 khu vực để doanh nghiệp các tỉnh mang hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản tới tiêu thụ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận tại Hội nghị (Ảnh: Cổng thông tin TP Hà Nội)
Ảnh hưởng bởi Covid-19, tổng thu ngân sách Hà Nội vẫn tăng
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, đại dịch Covid-19 tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực. Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5, 6, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; Sản xuất, kinh doanh đã từng bước phục hồi. GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội ước tăng 3,39%; Tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 143.478 tỷ đồng, đạt 51,4% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tại Hội nghị, thành phố đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD). Tổng số dự án, số vốn tăng tương ứng gấp 5 và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016. UBND thành phố ký kết 38 biên bản ghi nhớ với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD và giới thiệu 282 dự án với số vốn 483 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, UBND thành phố thực hiện việc cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính; Chỉ đạo triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng; Chỉ đạo ngành Nông nghiệp tích cực tái đàn lợn, tái cơ cấu cây trồng…
Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Hà Nội ghi nhận 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng; 47 ca lây nhiễm được phát hiện cách ly ngay tại sân bay. Các ca nhiễm đều đã được chữa khỏi. Đến hôm nay đã qua 77 ngày, thành phố không có ca nhiễm mới ngoài cộng đồng.
"Toàn thành phố đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, sớm thiết lập “trạng thái bình thường mới"", Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.
Kết quả của công tác phòng, chống dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp. Đến nay, đã có 1.833/1.834 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc tổ chức xong Đại hội; 6/30 Đảng bộ các quận, huyện tổ chức Đại hội thành công.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, thành phố Hà Nội đã hoàn thành dứt điểm 63/75 nhiệm vụ (đạt 84%), còn 12/75 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn.
Thành phố cũng đã hoàn thành đợt 1 hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với số tiền 474,2 tỷ đồng; Hiện đang tiếp tục triển khai hỗ trợ giai đoạn 2 cho số lao động tự do, người dân gặp khó khăn với kinh phí 495,6 tỷ đồng.
Căn cứ dự báo tình hình thế giới, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm để chỉ đạo, điều hành, phấn đấu tăng trưởng GRDP cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng của cả nước; Thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao.
Thành phố sẽ tập trung thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; Cắt giảm thêm 5% chi thường xuyên; Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công; Khởi công một số công trình lớn, có sức lan tỏa trên địa bàn; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt; Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Khắc phục các đứt gãy thương mại, đẩy mạnh xuất, nhập khẩu; Tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; Đẩy nhanh thủ tục thành lập các khu, cụm công nghiệp; Tập trung tái đàn lợn, khai thác hết diện tích đất nông nghiệp…
Miễn phí chỗ bán hàng để kích cầu tiêu dùng hậu Covid-19
Để hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tổng cục Thống kê tính toán kết quả tăng trưởng 9 tháng đầu năm và ước năm 2020 cho các tỉnh, thành phố để đánh giá kết quả giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025, kịp thời cập nhật Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội; Đồng thời đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19 để định hướng phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả hơn.
Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố, Hà Nội sẽ chuẩn bị từ 10 đến 15 các khu vực để mời các tỉnh đưa doanh nghiệp có hàng hóa nông, lâm thủy, hải sản bán hàng.
"Toàn bộ điểm bán hàng sẽ được miễn phí nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa; Đặc biệt kích cầu tiêu thụ các mặt hàng nông, lâm thủy, hải sản và rau củ, quả của các tỉnh, thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội", ông Chung nói.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn, xây dựng các khu đô thị mới, lựa chọn các nhà đầu tư để phát triển hạ tầng cũng như phát triển các khu đô thị, tăng tỷ lệ đô thị của thành phố, phấn đấu đến năm 2025 đạt 60%.
Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được của thành phố Hà Nội trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, thu ngân sách Nhà nước, xúc tiến đầu tư…; Đồng thời mong muốn 6 tháng cuối năm 2020, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì những thành tích đã đạt được, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, qua đó góp phần vào thành tích chung của cả nước.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.