Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ 3 hành động giúp doanh nghiệp đưa phát thải CO2 về “0” trong tương tai
3 hành động của Unilever cụ thể là: Sáng kiến về Nhựa thông qua mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý rác thải nhựa, Chiến dịch “Tương Lai Xanh” giúp thúc đẩy sử dụng carbon tái chế và tái tạo trong công thức sản phẩm và Các giải pháp dựa vào thiên nhiên với chiến dịch trồng cây và việc sử dụng điện tái tạo.
Tiên phong trong việc phát triển kinh doanh bền vững, có mục đích và hướng tới tương lai, Unilever luôn xem bền vững là mục đích cốt lõi trong tất cả các chiến lược và hành động.
Trong đó, Unilever đặc biệt quan tâm đến những hành động chống biến đổi khí hậu, bởi khủng hoảng khí hậu từ lâu đã bị hiểu nhầm là một vấn đề môi trường trong tương lai rất xa chứ không phải vấn đề nghiêm trọng trước mắt. Trong khi đó trên thực tế, khủng hoảng khí hậu đang dẫn đến khủng hoảng cả về mặt kinh tế - xã hội và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới. Tại Việt Nam, thiên tai, bão lụt, hạn mặn là những tác động rõ nét nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Trước thềm Hội nghị Khí hậu COP26 tại Glasgow trong tháng 11 sắp tới, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam đã chia sẻ về 3 hành động mà doanh nghiệp tập trung thực hiện nhằm giúp đưa lượng phát thải Carbon về "0", góp phần giải quyết các vấn đề về khí hậu tại Việt Nam.
Hành động 1 - Sáng kiến về Nhựa thông qua mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý rác thải nhựa
Hầu hết nhựa đều được sản xuất từ các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch. Quá trình chiết xuất, vận chuyển và xử lý những nhiên liệu để sản xuất nhựa tạo ra hàng tỷ tấn khí nhà kính.
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường năm 2019, ước tính Việt Nam thải ra hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế.
Xác định được mấu chốt của vấn đề nằm ở khâu phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, Unilever đã khởi xướng và xây dựng mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa tại Việt Nam, trong khuôn khổ chương trình hợp tác công - tư giữa Bộ Tài Nguyên và Môi Trường và các đối tác tiên phong khác như công ty Dow Chemical, SCG, VietCycle, nhằm giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, hướng đến hoàn thành cam kết không phát thải.
Hoạt động thu gom rác tái chế cho Unilever phát động.
Mô hình này bao gồm 4 trụ cột chính là: ứng dụng công nghệ và đổi mới, truyền thông và giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, phân loại tại nguồn và thu gom rác thải nhựa, xây dựng chính sách
Trong đó, phân loại và thu gom rác thải nhựa là khâu quan trọng giúp thu gom và đưa nhựa trở lại phục vụ nền kinh tế. Điều này giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất nhựa.
Hiện nay, Unilever Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ khi giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế, và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế.
Hành động 2 - Chiến dịch "Tương Lai Xanh" giúp thúc đẩy sử dụng carbon tái chế và tái tạo trong công thức sản phẩm
Chiến dịch ‘Tương Lai Xanh’ sẽ thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm Chăm sóc Gia đình (các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ).
Cụ thể, bằng cách sử dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp, doanh nghiệp sẽ sản xuất các thành phần làm sạch hiệu quả cao từ sinh khối có nguồn gốc bền vững, hoặc những chất hoạt động bề mặt mới – điển hình như đang được sử dụng trong nước rửa chén Sunlight, hoặc các enzym sinh học mới có hiệu suất cao cho toàn bộ sản phẩm Chăm sóc Gia đình.
Hiện nay đến 96% sản phẩm Chăm sóc Gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học, và mong muốn đạt 100% trong năm 2030.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng hướng đến việc biến CO2 từ khí thải công nghiệp thành các hóa chất và khoáng chất hữu ích để phục vụ cho công tác sản xuất các sản phẩm Chăm sóc Gia đình.
Việc áp dụng phương pháp này trong thời gian gần đây đã giúp Unilever trên toàn cầu giảm tới 28% khí nhà kính trong các công thức sản phẩm, đồng thời mang lại những lợi ích mới cho người tiêu dùng như thành phần sản phẩm giúp làm dịu da.
Hành động 3 - Các giải pháp dựa vào thiên nhiên với chiến dịch trồng cây và tăng cường việc sử dụng năng lượng tái tạo
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các giải pháp khí hậu tự nhiên có thể cung cấp tới 37% mức độ giảm phát thải mà thế giới cần vào năm 2030 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Vì vậy, trồng cây để mở rộng diện tích rừng là một sáng kiến trọng tâm trong kế hoạch hành động của Unilever Việt Nam, giúp thực hiện cam kết Không phát thải Carbon.
Mục tiêu của chúng tôi là trồng 1 triệu cây xanh trước năm 2025 tại Việt Nam. Điều này cũng góp phần vào mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ đề xuất, nhằm mục tiêu giải quyết các vấn đề khí hậu ở Việt Nam.
Đối với việc sử dụng điện tái tạo, hiện nay Unilever trên toàn cầu đã sử dụng 100% điện lưới tái tạo trên khắp năm châu lục cho tất cả nhà máy, văn phòng, cơ sở nghiên cứu và phát triển, trung tâm dữ liệu, kho hàng và trung tâm phân phối.
Hệ thống năng lượng điện mặt trời trong một cơ sở của Unilever.
"Chúng tôi cực kỳ trân trọng những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chủ động giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua các chính sách và hành động cụ thể. Chia sẻ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về an ninh khí hậu tối 23/9 là một minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc hướng tới mục tiêu giảm phát thải Carbon.
Đây sẽ là động lực để Unilever Việt Nam và các doanh nghiệp cùng chí hướng tự tin tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa vào một tương lai Không phát thải Carbon", bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ.
Đồng thời, bà Bích Vân cũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa mục tiêu Không phát thải Carbon tại Việt Nam, bên cạnh bản thân doanh nghiệp, cũng cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức Nhà nước và tư nhân, các tổ chức quốc tế, thậm chí các cá nhân, để đóng góp vào một bức tranh lớn, từ chiến lược, chính sách đến các cam kết và hành động cụ thể.
Quỳnh NhưTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.