Chủ tịch VCCI: Mỗi doanh nghiệp là một "pháo đài", mỗi doanh nhân là một "chiến sỹ"
Trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng và bảo đảm việc làm cho người lao động, mỗi doanh nghiệp là một "pháo đài", mỗi doanh nhân là một "chiến sỹ”.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
phát biểu tại cuộc họp trực tuyến giữa VCCI cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp chiều 3/4.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết ngày 25/2, VCCI đã có công văn gửi Thủ tướng phản ánh khó khăn vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về các giải pháp hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Ngày 4/3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16 về phòng chống COVID 19, trong đó có nhiều chủ trương chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có lời kêu gọi toàn dân đoàn kết tham gia chống dịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “chống dịch phải như chống giặc”; Gần đây báo chí có nhiều lời ca ngợi đội ngũ bác sỹ và nhân viên y tế như những anh hùng trong cuộc chiến chống dịch bệnh. Họ đúng là những anh hùng, dũng sỹ trong cuộc chiến này, cần được trân trọng, tôn vinh...
Thế nhưng, theo Chủ tịch VCCI, ngoài các chiến sĩ bác sĩ và nhân viên y tế, còn có những chiến sĩ doanh nhân đang thầm lặng trong cuộc chiến kinh tế thời dịch bệnh. Cuộc chiến của họ không kém phần khốc liệt.
“Tôi đề nghị, hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần khẩn trương và quyết liệt như chống dịch, và bảo vệ doanh nghiệp chính là bảo vệ đồng đội của mình trong cuộc chiến này. Mỗi doanh nghiệp là một pháo đài, mỗi doanh nhân là một chiến sỹ trong cuộc chiến chống suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động" - Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
Chúng ta đều biết, diễn biến của dịch bệnh trên thế giới đang rất phức tạp, COVID-19 là cuộc khủng khoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và tác động kinh tế của đại dịch này có thể dẫn tới một cuộc suy thoái toàn cầu. Ở nước ta, trong quý 1, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong suốt một thập kỷ qua.
“Theo khảo sát của chúng tôi, trên 80% doanh nghiệp nói rằng doanh thu của họ trong năm nay sẽ suy giảm so với năm ngoái. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã không chỉ có những giải pháp kịp thời và chính xác để phòng chống dịch bệnh mà còn đang có những giải pháp đồng bộ bước đầu để hỗ trợ nền kinh tế. Chính phủ đang chuẩn bị ban hành một nghị quyết mới về các chính sách và các biện pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn” – Chủ tịch VCCI thông tin.
Dẫn thống kê của VCCI, người đứng đầu VCCI cho biết: “Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay đã có 15 văn bản của các bộ ngành đã ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Có 2 dự thảo văn bản đang được chuẩn bị ban hành và có 6 văn bản chính sách đang được soạn thảo để có thể ban hành sớm theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của các bộ ngành nhưng có thể nói rằng việc triển khai, nhìn chung còn chậm”.
Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, ngoài Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hiện thực hoá các chủ trương khá nhanh còn một số bộ ngành khác triển khai còn chậm, các quyết sách chưa đi vào thực tiễn để doanh nghiệp có thể cảm nhận và hưởng lợi, tiêu chuẩn, quy trình và thủ tục hành chính để tiếp cận các biện pháp hỗ trợ còn phiền hà.
“Có hiện tượng rất đáng quan ngại là chủ trương cách ly xã hội của Chính phủ đang được hiểu thiếu nhất quán và thực hành sai lệch ở một ở một số địa phương gây cản trở cho sản xuất và lưu thông hàng hóa, ngay cả với những mặt hàng thiết yếu. Vấn đề này cần phải được chấn chỉnh bằng một hướng dẫn thật minh bạch, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, không thể để mỗi nơi làm một kiểu... Với các chủ trương, giải pháp đã và sẽ ban hành, chúng tôi đề nghị là sẽ phải thật minh bạch, bảo đảm thực hiện thật nhanh, thật nhất quán để phát huy hiệu quả” - Chủ tịch VCCI lưu ý.
Qua tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI đề nghị:
Một là, cho phép và tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp tục sản xuất và lưu thông hàng hóa và đặc biệt là đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Cho phép hoạt động trở lại các doanh nghiệp sản xuất và các công trường xây dựng đang bị đình chỉ hoạt động do bị hiểu sai lệnh yêu cầu cách ly của Thủ tướng ở một số địa phương.
Hai là, Chính phủ cần công bố danh mục các mặt hàng thiết yếu để tạo thuận lợi cho việc sản xuất và lưu thông các mặt hàng này và các hàng hoá dịch vụ có liên quan trong cả chuỗi cung ứng ngay cả trong trường hợp phải siết chặt các biện pháp cách ly và phong toả.
Ba là, thực hiện triệt để chỉ đạo của Thủ tướng, không thanh kiểm tra doanh nghiệp trong thời điểm này. Chuyển mạnh tiền kiểm sang hậu kiểm.
Bốn là, ngân hàng thương mại, đề nghị không chỉ tái cơ cấu nợ, giảm chi phí cho vay, không thu phí dịch vụ với khoản giao dịch nhỏ, cần phấn đấu giảm lãi suất cho vay thêm 2% - 2,5% cho từng nhóm khách hàng trong thời gian dịch bệnh.
Năm là, với ngành tài chính, VCCI cũng đề nghị không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế như hiện nay, mà còn cần đề xuất Chính phủ trình Quốc hội miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và một số loại thuế và phí khác..
"Hiện nay, doanh nghiệp kiến nghị nhiều về việc sửa Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20 và đề nghị thực hiện hồi tố với chi phí lãi vay không được trừ của doanh nghiệp trong các năm 2017, 2018 đối với các giao dịch liên kết. Đây là quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và có thể thực hiện bằng cách giảm các khoản thuế phải nộp của doanh nghiệp trong tương lai để bù trừ. Và chúng ta không phải lo ngại về những tiêu cực có thể nảy sinh trong thực hiện hồi tố khi việc này được thực hiện công khai, minh bạch dưới sự giám sát của xã hội, và thực hiện kiểm toán theo quy định" - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh!
Sáu là, về lao động, tiền lương: "Chúng tôi đề nghị không tăng lương tối thiểu trong năm 2021 và dừng thu phí công đoàn đến hết năm 2020 và giảm mức phí công đoàn từ 2 xuống còn 1% ít nhất là trong các năm 2020, 2021. Cùng với đó, dừng và giảm thu của quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1 % xuống 0,5% trong ít nhất trong thời hạn 6 đến 12 tháng.
Đồng thời, đề nghị, dùng quỹ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động khi người lao động phải nghỉ việc vì thiếu việc làm, và cũng dùng quỹ kết dư này cộng với nguồn của ngân hàng chính sách xã hội có thể cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để hỗ trợ cho doanh nghiệp trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, có thể cho phép thực hiện chế độ tiền lương linh hoạt hơn trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Thực hiện sớm hơn quy định của Luật Lao động về nội dung này" – Chủ tịch Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Bảy là, liên quan đến logistics, theo Chủ tịch Vũ Tiến Lộc, nên giảm phí cảng biển về mức 50%, và đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm việc với các hãng tàu nước ngoài yêu cầu giảm thu các phụ phí quá cao và bất hợp lý như hiện nay. Trong lĩnh vực vận tải đường bộ đề nghị giãn thời gian thu phí để giảm chi phí BOT.
Tám là, trong lĩnh vực du lịch, cho phép dùng 50% tiền ký quỹ du lịch trong năm 2020 để có thể hỗ trợ sản xuất kinh doanh và hoặc giảm 50% tiền ký quỹ du lịch trong các năm 2020, 2021. Nghiên cứu giảm tiền thuế đất cho các ngành khách sạn và các ngành du lịch nghỉ dưỡng…
Các giải pháp hỗ trợ cần triển khai nhanh, bảo đảm hiệu quả và công khai minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình để tránh tiêu cực!
Chín là, chúng tôi cũng đề nghị thực thiện nhanh Chính phủ điện tử và thúc đẩy cải cách thể chế, giảm mạnh và đơn giản hóa thủ tục. Trong bối cảnh như hiện nay, đề nghị miễn thu phí các thủ tục hành chính và các dịch vụ công liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Mười là, “cần phải có chủ trương chính sách để đón đầu cơ hội trong việc tái cấu trúc nền kinh tế, khi mà dịch bệnh bị đẩy lùi, trong đó thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ là những hướng đi quan trọng. Chắc chắn là chính sách phát triển của các quốc gia sau đại dịch cũng sẽ chuyển dịch nhiều hơn theo hướng này, và Việt Nam không là ngoại lệ” – Chủ tịch VCCI nhận định.
Có thể nhận thấy, tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 xảy ra trong thời gian vừa qua đã cho thấy chúng ta lệ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài cả ở đầu ra của sản phẩm, dịch vụ và đầu vào nguyên liệu, vật tư, thiết bị cho sản xuất. Đây là điểm rất yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Mười một là, về phía cộng đồng doanh nghiệp "chúng tôi đề nghị phải thực hiện ngay các giải pháp cắt giảm chi phí, chú trọng khai thác thị trường trong nước, tăng cường liên kết và phát triển thị trường nội bộ. Hơn lúc nào hết, liên kết doanh nghiệp là vấn đề vô cùng quan trọng. Đồng thời, tranh thủ đào tạo và đào tạo lại nhân viên. Đề nghị Chính phủ chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp trợ giúp doanh nghiệp trong công tác này.
Cùng với đó, việc tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc về chiến lược và quản trị theo hướng phát triển bền vững cũng cần được chú trọng. Tiếp đó là thúc đẩy chuyển đổi số. Và cuối cùng là thúc đẩy hơn nữa tinh thần khởi nghiệp trong tất cả các doanh nghiệp của chúng ta” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Theo enternews
Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.