Chú trọng phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản an toàn của người tiêu dùng Thủ đô.
Thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, tính đến nay, thành phố Hà Nội đã xây dựng được 141 mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Các mô hình này đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có đầu ra ổn định, sự phối hợp, liên kết giữa các khâu được đảm bảo ổn định, làm tăng giá trị, lợi nhuận trong sản xuất.
Nhằm đẩy mạnh hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mạ các sản phẩm theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, thành phố Hà Nội đã và đang hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ.
Cạnh đó, thành phố đã tổ chức các đoàn công tác đi làm việc, học tập, kết nối sản xuất, tiêu thụ, xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho Thành phố. Qua đó, đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 198 chuỗi được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thành phố cũng tổ chức các hội nghị, tuần lễ, hội chợ nhằm giới thiệu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hà Nội kết nối với các cơ sở sản xuất của các tỉnh, thành phố, giới thiệu hệ thống phân phối nông sản tại Hà Nội. Nhờ đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết. Ngoài ra, các Đoàn thể, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân đã tổ chức các hội nghị nhận diện sản phẩm an toàn, đưa các hội viên tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh, chuỗi thực phẩm đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội bằng tem điện tử thông minh QRcode”, cấp tài khoản tham gia hệ thống quản lý cho 1.984 doanh nghiệp/cơ sở là các hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản, 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn. Cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5.000.000 tem truy xuất nguồn gốc dán trên các sản phẩm nông sản trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, Thành phố đã triển khai thí điểm cho các tỉnh để thống nhất bộ mã truy xuất chung sản phẩm nông lâm sản thủy sản thực phẩm cung ứng về thị trường Hà Nội như vải Thanh Hà – Hải Dương và một số sản phẩm của các tỉnh Bắc Kạn, Đắk Nông, Quảng Bình, Hưng Yên, Sơn La, Thái Nguyên…
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hiện Thành phố đã hoàn thiện và phát triển ứng dụng Chợ thương mại điện tử sản phẩm nông nghiệp an toàn thành phố Hà Nội. Qua đó, phát triển hệ thống thương mại điện tử cho các nông sản an toàn bằng việc xây dựng các ứng dụng trên nền tảng Web, điện thoại thông minh, đưa các sản phẩm an toàn, sản phẩm theo chuỗi lên chợ thương mại điện tử dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý, từ đó đưa các sản phẩm nông sản an toàn đến tay người tiêu dùng.
Mạnh QuânDự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.