Chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online
Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) sẽ chưa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ý kiến Thường trực Chính phủ.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật, trong đó có đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng.
Trong thời gian chưa đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, Thường trực Chính phủ giao các bộ, cơ quan quản lý sử dụng các công cụ pháp lý, như cấp phép, sử dụng mã định danh cá nhân người dùng để kiểm soát hạn chế loại hình này.
Game online được Bộ Tài chính đề nghị đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong các dự thảo đưa ra đầu năm. Mục tiêu của đánh thuế này theo Bộ Tài chính là nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng các mặt hàng gây tác hại đến sức khỏe và xã hội, cũng như điều tiết một số hàng hóa xa xỉ.
Tuy nhiên, chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phản đối và cho rằng game online là dịch vụ được khuyến khích phát triển tại chương trình chuyển đổi số quốc gia, có tiềm năng trở thành ngành công nghiệp không khói của Việt Nam.
Việc đánh thuế không khuyến khích doanh nghiệp game trong nước tăng đầu tư phát triển, trong khi đây là một trong số ít những ngành nghề có tiềm năng lớn để phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh khiến họ có xu hướng dịch chuyển trụ sở chính ra nước ngoài.
Năm 2014, việc đánh thuế này từng được đưa ra thảo luận nhưng sau đó không nhận được sự đồng thuận từ cấp có thẩm quyền.
Ngoài ra, với đề xuất bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính bổ sung thêm cơ sở khoa học, thực tiễn để tăng tính thuyết phục.
Bộ này đồng thời được giao nghiên cứu kỹ đề xuất thu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới và thiết bị điện tử của sản phẩm này, nhằm đảm bảo thống nhất với luật chuyên ngành, cam kết quốc tế của Việt Nam. Việc sửa loại thuế này cũng cần thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước và phù hợp chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030, thông lệ quốc tế.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.