Chùa Đồng mới trên đỉnh núi cao Yên Tử
Dựng ngôi chùa bằng đồng lớn nhất, đặt trên đỉnh núi cao nhất, thuộc dãy núi Yên Tử - Quảng Ninh, để thờ Phật và thờ vua Trần Nhân Tông (vị Anh hùng của dân tộc đã có công dựng nước và giữ nước) thể hiện được lòng tôn kính, biết ơn và tưởng niệm các vua Trần…
Mỗi độ Xuân về, chùa Đồng Yên Tử không những mang ý nghĩa quan trọng về mặt kiến trúc mà còn sở hữu giá trị tâm linh đặc sắc. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á, không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam, mà còn được coi là cội nguồn tâm linh của trăm nghìn Phật tử.
Lệ hội Xuân Chùa Đồng – Yên Tử
Ngôi chùa cổ làm bằng đồng, mang đậm nét kiến trúc sơ khai đời nhà Trần, đặt trên đỉnh núi Yên Sơn (cao 1.068m) trong dãy núi Yên Tử, thể hiện được ước vọng, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân và Phật tử mọi miền, đồng thời thể hiện được sự tài khéo và giỏi nghề đúc đồng truyền thống của nhóm nghệ nhân các làng nghề Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh. Toàn bộ chùa được thiết kế, lắp ghép và trang trí bằng vật liệu đồng đỏ, dùng phương pháp đúc đồng thủ công.
Chùa Đồng đặt ở vị trí hướng Nam, khối lượng nặng 60 tấn, diện tích mặt bằng chùa Đồng 16,55m2, cột trụ đồng cao nhất hơn 3m, cột đồng thấp nhất 2m60 và 2m20, tổng cộng 16 cột đồng, đường kính cột đồng 20cm đến 30cm. Toàn bộ xà ngang, xà dọc hình chữ nhật bằng đồng với xà dài nhất 5m, xà ngắn nhất 4m. Đầu các cột đỡ, xà dọc và xà ngang đều đúc đầu hình rồng rất cầu kỳ.
Bốn đầu chùa đúc đồng hình mái vẩy trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên. Ngói chùa hình hài, những tấm phên tường ngăn, cột hàng rào lan can, con Hạc, câu đối, phù điêu Rồng đều được làm và đúc bằng đồng.
Bông Sen Vàng trên đỉnh núi linh thiêng của Chùa Đồng – Yên Tử
Bệ thờ dùng để đặt tượng đúc bằng đồng nặng 4 tấn, gạch lát nền bằng đồng nặng 13kg. Chùa Đồng đặt cố định trên sàn móng bê tông (dài 5m x rộng 4m), đặt trên các cột bê tông dài hơn 2m, đúc liền với sàn móng và được cắm sâu vào lòng núi.
Anh Đào Mạnh Đức (Ninh Bình), Vũ Đình Môn (Bắc Ninh), thuộc nhóm thợ đúc đồng trực tiếp thi công, lắp ghép chùa Đồng trên đỉnh núi, hồ hởi kể chuyện: "Toàn bộ khung chùa như cột đỡ, xà ngang, xà dọc bằng đồng đã được nhóm nghệ nhân đúc đồng Ý Yên – Nam Định đúc ngay ở chân núi Yên Tử. Chúng tôi đã lắp ghép thử bộ khung hình chùa ở dưới chân núi, sau đó mới tháo rời ra, dùng cáp tời chuyển bộ cột, xà bằng đồng từ chân núi lên đến đỉnh núi. Đến nơi chúng tôi lắp ráp khung chùa lại theo đúng bản vẽ mẫu, gần đến lễ hội Yên Tử - Xuân Quý Mão, công trình mới hoàn thành…".
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh núi Yên Sơn cao nhất, từ đỉnh núi xuống chân núi có rất nhiều tảng đá to nhỏ, nằm xung quanh, xếp thành bậc thang nâng bước du khách đến tận đỉnh núi. Mỗi phiến đá trông giống như một đóa hoa sen trên hồ sen đang nở. Các góc mái chùa văng ra đúc hình đầu rồng và được trang trí thêm 4 hình: Long, Ly, Quy, Phượng tượng trưng cho linh vật trong tín ngưỡng Việt Nam.
Sử sách đã ghi lại ngày trước, vào thời nhà Lê, bà vợ chúa Trịnh cũng đã công đức xây dựng ngôi chùa nhỏ bằng đồng, đặt ở trên đỉnh núi (trong chùa thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát). Đến năm 1930, cũng có người lên núi tái tạo lại chùa đồng nhỏ, làm bằng bê tông cốt đồng, đặt trên một hòn đá cao quá đầu người trên đỉnh núi (trong chùa thờ 4 tượng đá).
Trải qua năm tháng, thời gian và mưa bão, chùa Đồng nhỏ trên đỉnh núi bị hỏng dần. Năm 1993, ông Nguyễn Nam Sơn – Việt kiều cùng với một số các Phật tử đã hồi hương, về thăm Yên Tử và công đức, tái thiết lại ngôi chùa nhỏ đúc bằng đồng, dựng bên chùa Đồng cũ do nhóm nghệ nhân đúc đồng TP. Hải Phòng nhận thiết kế và thi công.
Chùa Đồng này có cấu trúc hình chữ Đinh (丁) theo dáng hoa sen nở, ngự trên sập đồng chân quỳ dạ cá chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Trong chùa thờ 3 pho tượng Tam Tổ Ngự Đài Sen: chính giữa thờ vua Trần Nhân Tông, hai bên thờ Tôn giả Pháp Loa và Huyền Quang. Chùa Đồng nhỏ cao gần bằng người đứng lễ, khách thập phương đến thăm viếng, lễ chỉ có thể đứng ở bên cạnh chùa.
Hình ảnh chùa Đồng cũ
Anh Phạm Văn Sơn (Ý Yên – Nam Định) và anh Vũ Xuân Ninh (Gia Bình – Bắc Ninh), thợ lắp ráp chùa Đồng trên đỉnh núi cũng cho biết thêm: "Nhóm chúng tôi làm việc mỗi ngày từ 8 đến 10 tiếng, trong quá trình dựng chùa Đồng trên đỉnh núi cao, hôm nào trời đẹp mây bay xung quanh, sáng sớm mùa đông thì sương mù che kín cả chân núi. Cảnh mây núi hùng vĩ khiến chúng tôi làm việc ham mê hơn.
Nghề dựng ghép các cột, xà đồng với nhau thành ngôi chùa, cũng như người họa sĩ đang hoàn thiện một tác phẩm tuyệt đẹp, người thợ phải làm việc tỉ mỉ và cầu kỳ, càng làm càng hăng say. Chùa Đồng được dựng trên đỉnh núi quả đúng là một cảnh quan đẹp ở trên núi cao nhất vì trong đó có sự đóng góp của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân làng nghề đúc đồng đến từ nhiều miền quê hương".
Đặt được ngôi chùa Đồng lớn nhất trên đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Yên Tử là ước muốn của nhiều du khách thập phương. Đường cáp treo hiện đại từ chân núi Yên Tử đến Tháp Tổ - chùa Hoa Yên (dài hơn 1.000m) hàng ngày vận chuyển hàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan chùa Hoa Yên và chùa Đồng, nhất là trong những ngày khai Xuân – năm mới.
Ngồi trong cabin cáp treo bạn sẽ được ngắm trọn vẹn cảnh sắc hùng vĩ bên dưới
Hội chùa Đồng song hành với hội Yên Tử được tổ chức mùng 10/1 Âm lịch trong 3 ngày. Mặt khác, những ngày trọng đại khác trong năm như Vu Lan, Phật đản, nhiều người cũng hành hương tới đây để tỏ lòng thành kính.
Trước đây, đường đi bộ từ chùa Hoa Yên đến khu tượng đá An Kỳ Sinh (đoạn đường dài hơn 1.000m, đi qua chùa Vân Tiêu hoặc qua chùa Bảo Sái), từ An Kỳ Sinh đến chùa Đồng dài 721m, đường đi lên đỉnh núi quanh co, chênh vênh và khó đi. Đến nay, đường cáp treo đã tạo được nhiều điều kiện thuận lợi cho người có tuổi, các cháu nhỏ và du khách quốc tế lên tận đỉnh núi cao nhất, chiêm ngưỡng chùa Đồng, một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc cổ phục hồi chùa đời nhà Trần.
Đường lên Chùa Đồng Yên Tử
Ban quản lý di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử cho biết: Chùa Đồng do đơn vị thi công – Công ty TNHH Xây dựng – Mỹ thuật Hà Nội đảm nhận. Chính vì thế chúng tôi đã làm thêm nhà lưu niệm, nhà khách, đường lên chùa Đồng với toàn bộ kinh phí là 21,5 tỷ đồng. Đặc biệt, chúng tôi đã cùng với UBND tỉnh Quảng Ninh kết hợp với các nghệ nhân đúc được 3 tượng bằng đồng lớn: Đệ nhất tổ - vua Trần Nhân Tông, Đệ nhị tổ Pháp Hoa và Đệ tam tổ Huyền Quang đặt trên núi Yên Tử.
Khu di tích lịch sử Yên Tử, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh là một địa danh tham quan, du lịch đẹp với hàng chục ngôi chùa, hàng trăm am, tháp, hàng ngàn di vật cổ quý, ở giữa một vùng núi điệp trùng, nằm ẩn khuất trong những khu rừng già, nhất là chùa Đồng độc đáo trên đỉnh núi cao nhất sẽ thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và chiêm ngưỡng trong những ngày khai Xuân, ngày Lễ hội…
Hoàng VânSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.