Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình

Địa phương
08:47 AM 02/02/2023

Nếu ai đã từng biết, từng nghe về danh tiếng của Chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) chắc hẳn đều có ước mong được một lần ghé thăm và tham dự lễ hội tại ngôi đại cổ tự này. Chùa Keo không đơn thuần chỉ là một di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt mà còn là biểu tượng văn hoá, tâm linh là niềm tự hào của mỗi người dân quê lúa Thái Bình.

Ngày 25/1 (tức mồng 4 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), tại xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chính quyền và Nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức Khai hội Lễ hội Chùa Keo mùa Xuân năm 2023.

Lễ hội Chùa Keo là hoạt động hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức của Quốc sư Dương Không Lộ (1016 - 1094) và những người có công xây dựng ngôi chùa; đồng thời là dịp để các tầng lớp nhân dân tỉnh Thái Bình quảng bá du lịch; phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, nhu cầu tham quan và hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghệ thuật kiến trúc điêu khắc độc đáo của di tích cho du khách thập phương. Qua đây cũng nhằm xây dựng ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 1.

Di tích Quốc gia đặc biệt Chùa Keo

Chùa Keo có tên là "Thần Quang Tự", chùa được xây dựng lại từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 với lối kiến trúc "Nội công ngoại quốc". Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 58.000m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau với 17 tòa kiến trúc và 128 gian xây dựng. Toàn bộ gỗ trong chùa đều làm bằng gỗ lim.

Điều đặc biệt nhất chính là Chùa Keo hoàn toàn được ghép với nhau bằng mộng gỗ, không có một chiếc đinh nào. Thế nhưng trải qua gần 400 năm tuổi, nắng mưa và thời gian, Chùa Keo vẫn được bảo tồn và lưu giữ. Đặc biệt nhất là khu gác chuông với chất liệu gỗ chồng diêm 3 tầng, cao hơn 11 mét có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau hay còn gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong.

Tháng 4 năm 1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 10/2017, chùa đón nhận bằng ghi danh Lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngày 25/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg công nhận hương án Chùa Keo là bảo vật Quốc gia. Đến nay, hương án Chùa Keo được xem là lớn nhất trong các hương án sơn son thếp vàng tại các di tích thờ tự và tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 2.

Lãnh đạo địa phương dự Lễ hội Chùa Keo

Chùa Keo có hai ngày hội chính, đó là Hội Xuân vào ngày mồng 4 Tết Nguyên đán và Hội mùa Thu (hội chính) từ ngày 13 đến 15/9 (Âm lịch). Nếu như lễ hội mùa Xuân vừa là lễ hội nông nghiệp vừa là lễ hội thi tài gắn với sinh hoạt của cư dân nông nghiệp vùng sông nước thì lễ hội mùa Thu ngoài tính chất là hội thi tài giải trí còn mang đậm tính chất của một lễ hội lịch sử. Lễ hội Chùa Keo hiện còn bảo lưu nguyên vẹn nhiều nghi thức truyền thống như: Khai chỉ mở cửa đền Thánh, tế lễ Phật thánh trong nội tự chùa, rước kiệu Đức thánh…

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 3.

Các cụ cao niên và lãnh đạo địa phương thực hiện nghi thức khai chỉ mở cửa đền Thánh.

Hiện nay, cùng với di tích Chùa Keo, Lễ hội Chùa Keo trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến với Thái Bình. Để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã phân cấp, giao huyện Vũ Thư lập Ban Quản lý di tích để quản lý và bảo vệ, phát huy giá trị di tích, lễ hội. Quy trình thực hành lễ hội và các nghi thức liên quan trong lễ hội được cộng đồng tổ chức và thực hiện gần nhất với nghi lễ truyền thống.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 4.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 5.

Các cụ cao niên làm lễ bái yết mở cửa đền Thánh.

Tại lễ hội Xuân Chùa Keo năm 2023 có nhiều lễ thức, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, đậm chất văn hóa như thi nấu cơm dâng Phật, bắt vịt… Với phần thi nấu cơm hoàn toàn trong quy trình khép kín từ việc lấy nước (địch thủy), tạo lửa (địch hỏa), đến thổi cơm. Đây cũng chính là nét độc đáo hấp dẫn làm nên đặc trưng của Lễ hội Chùa Keo so với các vùng quê khác. Người dân làng Keo tin rằng, tham gia hội thi là được Đức Thánh ban lộc, ngoài ra, họ cũng tin rằng những vật dụng được các đội sử dụng trong hội thi sẽ đem lại may mắn nên khi hội thi kết thúc, các vật dụng thường được xin về đặt trong gian bếp với hy vọng một năm mới ấm áp và sum vầy.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 6.

Chùa Keo - Biểu tượng văn hoá, tâm linh của người Thái Bình - Ảnh 7.

Một số hình ảnh thi nấu cơm tại Lễ hội xuân Chùa Keo năm 2023

Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày mùng 4 Tết năm nay, hàng nghìn tín đồ Phật tử và du khách thập phương đã về trẩy hội, dâng hương. Theo ông Phạm Ngọc Bùi, Chủ tịch UBND xã Duy Nhất, ngay đầu sáng mùng 4, thời tiết năm nay nắng ấm, đẹp, lượng khách về lễ Phật tăng so với năm ngoái khoảng 20%. Được sự quan tâm, chỉ đạo và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư địa phương, Lễ hội Chùa Keo đã được tổ chức trang trọng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh cảnh quan môi trường được đảm bảo, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch văn hoá tâm linh của nhân dân, tạo được ấn tượng cho khách thập phương về dự lễ hội truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian được khôi phục đã duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong Lễ hội Chùa Keo.

Trải qua ba năm đại dịch lễ hội không được mở, sự "trở lại" lần này như một làn gió mới thổi vào làng Keo cũng như du khách thập phương. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quan tâm tới việc duy tu, sửa chữa Chùa Keo, gìn giữ nét đẹp lễ hội để Chùa Keo trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Qua đó góp phần giới thiệu kiến trúc đặc sắc của Chùa Keo, mảnh đất, con người Vũ Thư với du khách gần xa, quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mộc Trà
Ý kiến của bạn