Chưa mặn mà nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng

Xã hội
07:00 PM 18/07/2020

Từ ngày 1-7, việc nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông đường bộ đã được mở rộng ra toàn quốc. Trước đó, giữa tháng 3-2020, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã triển khai thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia tại 5 địa phương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận. Tuy nhiên đến nay, đa phần các trường hợp vi phạm chưa mặn mà với hình thức nộp phạt qua mạng.

Cảnh sát giao thông đưa dữ liệu vi phạm lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Mới có 1/500 trường hợp vi phạm nộp phạt qua mạng

Từ ngày 12-3 đến nay, Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) ghi nhận gần 500 trường hợp vi phạm giao thông lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). Mặc dù vậy, chỉ có 1 trường hợp nộp phạt qua mạng.

“Người duy nhất nộp phạt qua mạng là tài xế H.T.T.H (sinh năm 1980, quê Thanh Hóa) vi phạm lỗi vượt đèn đỏ”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 nói. Tình hình trên cũng diễn ra ở các đội cảnh sát giao thông khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Anh Trịnh Quang Hùng (Khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng) cho biết, theo hướng dẫn sau 7 ngày kể từ khi nhận quyết định xử phạt, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để nhập số biên bản vi phạm hành chính, sau đó thực hiện các bước thanh toán qua ngân hàng/trung tâm thanh toán, nhận biên lai. Cảnh sát giao thông căn cứ vào biên lai thu tiền phạt để trả giấy tờ cho người dân qua bưu điện.

Việc làm này giúp người dân không phải đến kho bạc, ngân hàng nộp tiền và đến trụ sở công an lấy lại giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí, công sức đi lại… Lợi ích là vậy nhưng hầu hết người vi phạm vẫn chưa sử dụng hình thức nộp phạt qua mạng.

“Nhiều lái xe lớn tuổi vi phạm tỏ ra ngại sử dụng công nghệ. Còn các lái xe ở Hà Nội vẫn theo cách tự đến kho bạc nộp phạt”, Thiếu tá Phạm Đức Hoàng thông tin thêm.

Là người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ tại ngã tư Phan Đình Phùng - Hàng Đậu vào sáng 13-7, anh Vũ Trí Dũng (phố Đội Cấn, quận Ba Đình) đã được Cảnh sát giao thông giới thiệu có thể nộp phạt qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Nhưng anh Dũng vẫn chọn cách nộp phạt truyền thống là ra kho bạc vì lý do… gần nhà.

Tương tự, trường hợp anh Kiều Duy Mạnh (ở Thạch Thất, Hà Nội) vi phạm lỗi đi sai làn đường vào tối 16-7 trên đường Lê Văn Lương (quận Nam Từ Liêm), anh Mạnh cũng được hướng dẫn nộp phạt qua mạng nhưng vẫn chọn cách nộp phạt truyền thống vì lý do không biết cách thanh toán và giao dịch qua các dịch vụ điện tử.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Tiến, Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khi được giải thích tiện ích của Cổng Dịch vụ công quốc gia, người dân cũng đăng ký theo hướng dẫn của tổ công tác.

Tuy nhiên, khi thực hiện các bước tiếp theo như kê khai số điện thoại cá nhân để nhận quyết định xử phạt, đa phần đều từ chối vì nhiều lý do… Vì luật chưa quy định việc kê khai này trong biên bản nên đa số phải vận động người dân.

Trong khi đó, trên phạm vi toàn quốc, đã có khoảng 16.000 lượt tra cứu, thực hiện việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã cung cấp gần 11.000 dữ liệu về các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến giữa tháng 7-2020, chỉ có 170 quyết định xử phạt được thực hiện trên hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), hiện nay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã triển khai nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông đường bộ tới 63 tỉnh, thành phố kể từ ngày 1-7-2020. Chia sẻ thông tin lên Cổng dịch vụ công quốc gia được coi là việc đẩy mạnh công tác cải cách hình chính của lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc.

Đến nay, trung tâm chỉ huy của Cục Cảnh sát giao thông đã có hệ thống giám sát trên một số tuyến quốc lộ và tuyến cao tốc để ghi nhận tất cả hành vi vi phạm bằng thiết bị công nghệ. Điển hình, vừa qua, cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang bắt đầu đưa vào vận hành hệ thống giám sát.

Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, tất cả thông tin liên quan, đặc biệt là các hành vi vi phạm về dừng, đỗ, tốc độ chạy xe… đều được ghi nhận bằng thiết bị công nghệ thay cho con người. Ở đầu và cuối các tuyến cao tốc, nơi có đặt trạm thu phí, Cảnh sát giao thông sẽ thực hiện việc dừng xe, thông báo lỗi vi phạm, trích xuất dữ liệu, lập biên bản (điện tử) với các trường hợp vi phạm…

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc nộp phạt trực tuyến, ngoài tuyên truyền miệng như hiện tại, Phòng Cảnh sát giao thông sẽ phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách thức để thực hiện việc nộp phạt trực tuyến như: Cách truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia; cách đăng nhập tài khoản; cách nộp tiền phạt online...

Chu Dũng
Ý kiến của bạn