Chưa mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Tiêu dùng và Tiếp thị
09:45 AM 15/09/2020

Việc mở đường bay quốc tế hiện nay cần bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam đối với từng đối tượng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết vẫn chưa “chốt” được thời điểm chính thức.

Theo kế hoạch ban đầu được công bố Việt Nam sẽ khôi phục đường bay quốc tế tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ 15/9, Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đường bay đi Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào được tái khởi động từ 22/9.

Chiều 14/9, Bộ GTVT đã họp bàn với các Bộ, ngành, liên quan thống nhất phương án mở lại các đường bay quốc tế tới các điểm đến tại các quốc gia có kết quả phòng chống dịch tốt và là các đường bay có nhu cầu vận chuyển cao. 

Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp các Bộ, ngành vẫn chưa chốt được thời điểm mở cửa chính thức.

Chưa mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Chưa mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, việc mở đường bay quốc tế hiện nay cần có sự bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí....) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam), sau đó thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.

Mặt khác, các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cần xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như các điều kiện giám sát, chi phí liên quan.

Chính vì vậy, để đảm bảo yếu tố an toàn khi mở cửa đường bay quốc tế, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương thống nhất sẽ tiếp tục làm rõ các điều kiện, yếu tố liên quan để trình Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất, trước khi ra quyết định cuối cùng.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo lịch trình kiểm soát tốt dịch bệnh các chuyến bay, không để sơ xuất xảy ra.

Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI); đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam làm việc ngắn ngày (dưới 14 ngày) thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, Bộ GTVT phối hợp với các Bộ: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Y tế xem xét, giải quyết các vấn đề khi mở lại đường bay thương mại quốc tế bao gồm việc lựa chọn các nhóm đối tượng ưu tiên nhập cảnh, lựa chọn cảng hàng không tiếp nhận chuyến bay thương mại quốc tế, phương án giải tỏa tại các cảng hàng không, phương án quản lý các trường hợp nhập cảnh, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly y tế phù hợp và các hướng dẫn khác đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

"Từng chuyến bay đều phải có phương án cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm an toàn. Bộ GTVT phối hợp với Bộ Ngoại giao từng bước, thận trọng tăng tần suất chuyến bay từ các nước ít nguy cơ lây nhiễm bệnh để đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh và đón công dân về nước", Thủ tướng nói.

Về thực hiện cách ly người nhập cảnh tại cơ sở lưu trú có thu phí, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở lưu trú và có thu phí. Bộ Công an và chính quyền các địa phương nhất là ngành y tế tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, không để lây nhiễm chéo và lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ Quốc phòng tiếp tục duy trì việc bố trí và chuẩn bị tốt các cơ sở cách ly tập trung tại các cơ sở quân đội.

Hồng Nhung
Ý kiến của bạn