Chùa Trăm Gian: Niềm tự hào của người dân huyện Chương Mỹ

Địa phương
02:29 PM 08/08/2022

Chùa Trăm Gian có tên gọi quen thuộc là chùa Quảng Nghiêm hay còn gọi là chùa Tiên Lữ bởi Chùa nằm trên đồi ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - Đây là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao, được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) xếp hạng Di tích Quốc gia và là nơi mọi người thường vãn cảnh, bái yết cửa Phật thể hiện tín ngưỡng, đem đến sự ổn định tư tưởng trong mỗi người dân.

Giữa những bộn bề, lo âu của đời sống thường nhật, chúng ta thường muốn tìm về chốn bình yên, tận hưởng những phút giây thư giãn, thanh thản . Chỉ cách trung tâm Hà Nội 20 km, ngôi chùa hàng trăm năm tuổi nằm ẩn mình bên ngọn đồi nhỏ, là nơi để du khách có thể tìm đến để thưởng các giá trị kiến trúc và khung cảnh nên thơ tạo nên tiết trang nghiêm trong sự thanh tịnh của đạo lý hướng thiện. 

Chùa Trăm Gian thu hút du khách bởi kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý – Trần - Ảnh 1.

Lối lên chùa Trăm Gian

Chùa Trăm Gian được xây dựng theo lối kiến trúc đời Trần thế kỷ 14. Thời phong kiến, khi xây chìa người xưa tính 4 cột là một gian, nên ngôi chùa có gần 100 gian và được gọi là chùa Trăm Gian. Chùa được chia thành ba cụm kiến trúc. Trong đó, cụm ngoài cùng gồm 4 cột trụ và hai quá, trước đây được dùng làm nơi đánh cờ người trong các ngày hội. Tiếp đến là nhà Giá ngự, là nơi xưa kia thường rước thánh ra ngự để xem trò múa rối nước ở hồ sen.

Chùa Trăm Gian thu hút du khách bởi kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý – Trần - Ảnh 2.

Gác chuông cổ tự Trăm Gian

Cụm thứ hai là tam quan hay còn gọi là gác chuông, kiến trúc theo kiểu hai tầng chồng diêm 8 mái, dựng theo phương pháp cổ truyền "Thượng thu hạ thách". Gác chuông làm bằng gỗ quý. Trên gác treo một quả chuông cao 1,4m, đường kính là 0,6m, được đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), trên chuông khắc bài minh của Thuỵ Nhâm Hầu Phan Hữu Ích.

Tiếp đến, đi qua các bậc đá có lan can chạm rồng, đến cụm thứ 3 là chùa chính. Chùa thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc, gồm chùa ngoài có hai tượng hộ pháp là Khuyến Thiện – Trừng Ác đồ sộ và Toà Thiên hương. Trong cùng nối liền với nhà tổ, vây quanh một ngôi nhà 16 cột làm theo kiểu 4 mái, ở trong có một trống lớn, đường kính mặt trống 1 m và một khánh đồng dài 1,2m, cao 0,60m, được đúc năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750). 

Chùa Trăm Gian thu hút du khách bởi kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý – Trần - Ảnh 3.

Kiế trúc độc đáo của chùa Trăm Gian mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lý - Trần

Trong chùa Trăm Gian hiện nay còn lưu trữ được hơn 100 pho tượng Phật, hầu hết bằng gỗ, một số ít bằng đất sơn son thếp vàng. Trên cùng là nơi thờ Tam Thế Phật với ba pho tượng các vị Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát an tọa trên một bệ đồ sộ bằng gạch nung màu đỏ như son. Bệ hình chữ nhật dài 2,4m, rộng 1,2m, cao 0,80m. Bệ gạch gồm 3 phần, trên là đài sen khổng lồ, nở xoè. Giữa là phần trang trí, có nhiều đường nét hoa văn nổi đực trạm khắc tinh túy gắn với nhiều huyền tích nhà Phật, được chia thành ba khung trang trí, khung giữa chạm hình cá hóa rồng, hai bên là hình hổ phục, ngựa phi, voi rồng... Bốn góc bệ tạc hình người cánh chim kiểu "Chân quỳ dạ cá". Phía dưới bệ gạch, trang trí như những chiếc bệ đá ở chùa Hương Trai (Hoài Đức), Bối Khê (Thanh Oai) đó là những di sản rất hiếm thấy và rất quý của nền nghệ thuật Lý – Trần trong giai đoạn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14.

Chùa Trăm Gian thu hút du khách bởi kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý – Trần - Ảnh 4.

Đường lên Điện Tam Thế chùa Trăm Gian

Suốt bao đời nay, chùa Trăm Gian được coi là một di sản với kiến trúc độc đáo và cũng là một niềm tự hào của người dân huyện Chương Mỹ. Mỗi năm, chùa Trăm Gian thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật. Tại đây, không gian xanh mát và cổ kính sẽ làm cho du khách cảm thấy như mình đang vãn cảnh nơi bồng lai.

Để đến thăm chùa Trăm Gian, du khách có thể lựa chọn di chuyển bằng ô tô hoặc xe máy. Xuất phát từ trung tâm Thủ đô, theo quốc lộ 6, qua thị trấn Chúc Sơn chừng 2 km thì rẽ phải và tiếp tục men theo chân núi Sở là sẽ tới. Ngoài phương tiện cá nhân, xe buýt cũng là phương thức di chuyển rất thuận tiện.  Có 2 tuyến xe buýt tại nội thành Hà Nội là tuyến 57 (Nam Thăng Long - khu công nghiệp Phú Nghĩa) và tuyến 72 (bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai) có bến xuống cách chùa Trăm Gian 200 m đi bộ.

Theo đại diện của Ban Quản lý di tích chùa Trăm Gian, những năm gần đây, vào ngày rằm, mùng một âm lịch có hàng nghìn lượt du khách đến đây, nhưng con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Hy vọng trong thời gian tới đây, địa phương sẽ đầu tư nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông vào chùa để thu hút du khách thập phương nhiều hơn nữa đến với chùa Trăm Gian - điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng.

Nguyễn Đạt
Ý kiến của bạn