Chứng khoán có tuần giao dịch với thanh khoản ở mức kỷ lục

Chứng khoán
08:59 AM 25/03/2024

Chứng khoán đã có tuần giao dịch với thanh khoản ở mức kỷ lục, khi trung bình hơn 30.000 tỷ đồng/phiên.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trong tuần qua (từ ngày 18 - 22/3) thanh khoản trên HOSE đạt 151.877,51 tỷ đồng, tăng mạnh 20,4% so với tuần trước. Điều này thể hiện mức độ xoay vòng của dòng tiền nhanh, mạnh trong thị trường với nhiều cơ hội sinh lợi ngắn hạn.

Chứng khoán có tuần giao dịch với thanh khoản ở mức kỷ lục- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hầu hết các ngành đều biến động mạnh, khi điều chỉnh giảm mạnh trong đầu tuần, nhưng nhanh chóng hồi mục tích cực dần về cuối tuần. Nhiều nhóm ngành như ngân hàng, dịch vụ tài chính, bất động sản… tạo động lực mạnh cho xu thế tăng của thị trường chung.

Cụ thể, trong tuần nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực quan trọng nhất dẫn dắt thị trường phục hồi sau phiên giảm mạnh. Nhiều mã ngân hàng đã tăng mạnh, vượt đỉnh gần nhất, với thanh khoản gia tăng tốt, nổi bật như: TCB (+8,45%), VIB (+7,56%), MBB (+5,25%), BID (+3,83%)... Trong khi đó, một số mã trong ngành vẫn giảm như: NAB (-2,13%), ABB (-1,22%), SSB (-1,11%)...

Các cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính, chứng khoán phân hóa mạnh hơn. Cụ thể, bên cạnh một số mã vẫn thu hút dòng tiền ngắn, thanh khoản gia tăng mạnh như: CSI (+4,91%), SHS (+4,71%), VND (+3,18%)... thì có nhiều mã phục hồi yếu sau giảm mạnh như: VFS (-6,64%), IVS (-6,47%), FTS (-3,75%)…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng là trợ lực giúp thị trường tăng trong tuần. Ngoài HPX tím liên tục sau khi trở lại giao dịch, thì ngành này có nhiều mã tăng tốt như: DIG (+12,11%), PDR (+12,10%), TCH (+12,03%), DXG (+8,47%)... Trong khi, trong tuần vẫn có nhiều mã bất động sản giảm ở mức khá như: VRC (-12,33%), IJC (-3,98%), KOS (-3,78%), HD6 (-3,17%)...

Trong tuần, thị trường chứng khoán tuần qua đã đón nhận nhiều thông tin quan trọng. Đó là: Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,5%, dự kiến 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay; Ngân hàng trung ương Anh quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25%; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2007, chấm dứt chính sách lãi suất âm duy nhất trên thế giới. Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ quyết định giảm lãi suất. Đây là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới giảm lãi suất sau 9 năm.

Đặc biệt tuần qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lấy ý kiến các thành viên về quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền.

Nếu được thông qua và triển khai trong thời gian tới, quy định này sẽ tháo gỡ một trong hai nút thắt trong tiến trình nâng hạng thị trường theo quy định của tổ chức xếp hạng FTSE là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Cùng với việc HOSE chạy thử nghiệm hệ thống KRX vừa qua, có thể thấy các cơ quan quản lý đang rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nhằm nâng hạng thị trường trong năm 2025 như mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Thị trường đã có tuần giao dịch tích cực trước những thông tin trên, mặc dù trải qua phiên đầu tuần biến động rất mạnh khi giảm gần 50 điểm trong phiên từ vùng giá 1.270 điểm về 1.220 điểm, sau đó phục hồi trở lại vùng 1.240 điểm với thanh khoản ở mức kỷ lục gần 48.000 tỷ đồng.

VN-Index ở những phiên giao dịch còn lại phục hồi tăng giá mạnh mẽ, vượt lên vùng đỉnh năm 2023 (tương ứng 1.245 -1.255 điểm) và vượt lên vùng đỉnh giá cao nhất 2 tuần trước quanh 1.275 điểm.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.