Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trước ngày bầu cử
Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/11), khi Phố Wall kỳ vọng ông Joe Biden sẽ đắc cử tổng thống Mỹ và Đảng Dân chủ của ông sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện đồng thời duy trì được đa số ghế ở Hạ viện.
Các chỉ số ở Phố Wall đã mở cửa trong trạng thái tăng mạnh, sau đó liên tục giằng co trong suốt phiên giao dịch, rồi chốt phiên với mức tăng có thu hẹp đôi chút so với đầu phiên.
Thành quả của Dow Jones phiên này là mức tăng 1,6%. S&P 500 tăng 1,2%. Nasdaq tỏ ra "đuối" hơn hai chỉ số còn lại, hoàn tất phiên đầu tiên của tháng 11 với mức tăng 0,4%.
Tuần trước, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều có tuần giảm mạnh nhất từ tháng 3, do các nhà đầu tư lo ngại về những bấp bênh xung quanh cuộc bầu cử sắp diễn ra và số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu.
Theo trang CNN Business, thị trường chứng khoán Mỹ thường ưa thích các chính sách của Đảng Cộng hòa, nhưng ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư đang rất mong chờ một gói kích cầu kinh tế có quy mô lớn được thông qua. Một kế hoạch như vậy là điều cần thiết cho nước Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đang chịu sức ép suy giảm tăng trưởng mới do số ca nhiễm virus liên tục lập kỷ lục.
Nếu cuộc bầu cử ngày 3/11 mang lại kết quả là một "làn sóng màu xanh da trời" (blue wave), với Đảng Dân chủ nắm cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, thì cơ hội sẽ lớn hơn nhiều cho một gói kích cầu toàn diện được thông qua trong mùa đông năm nay.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng tin rằng chiến thắng thuộc về ông Biden sẽ đồng nghĩa với ít thông tin bất lợi hơn cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.
"Nếu các cuộc thăm dò dư luận là đúng, ông Joe Biden sẽ thắng cử với khoảng cách thoải mái, và chúng ta sẽ biết điều này trước nửa đêm ngày mai", một báo cáo của Cornerstone Macro nhận định.
Không chỉ các cuộc thăm dò dư luận mà các phân tích, dự báo cũng tin ông Biden sẽ thắng. Chẳng hạn, trang dự báo PredictIt đặt khả năng thắng của ông Biden ở mức 66%.
"Chúng tôi nhấn mạnh rằng kết quả bầu Thượng viện sẽ rất quan trọng cho đường đi của chính sách tài khóa", chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup viết trong một báo cáo. Tuy nhiên, ông Hollenhorst cho rằng cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều khó có khả năng giành đa số ghế áp đảo tại cả Thượng viện và Hạ viện, nên vẫn cần có sự hợp tác giữa hai đảng để thúc đẩy gói kích cầu mới.
"Trong bất kỳ kịch bản bầu cử nào, chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có một gói kích cầu bằng tài khóa với quy mô từ 1,5 nghìn tỷ USD trở lên. Kế hoạch có thể được thông qua sớm nhất sau bầu cử", vị chuyên gia nhận định.
Quốc hội Mỹ đã đàm phán về gói kích cầu thứ hai suốt từ mùa hè nhưng chưa thể đi đến nhất trí. Thời gian gần đây, bất kỳ thông tin nào về tiến trình đàm phán đều có thể gây biến động trên thị trường. Điều này cho thấy giới đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ thực sự cần có thêm hỗ trợ để có thể đi đúng hướng, bởi tác dụng của gói kích đầu tiên đang giảm dần.
Cho tới hiện tại, sự phục hồi kinh tế Mỹ vẫn chưa đều. Từ sau đợt phong tỏa vào đầu năm đến nay, nước Mỹ đã có thêm hàng triệu việc làm, nhưng vẫn mất hơn 10 triệu công việc nếu so với hồi tháng 2. Hàng triệu người Mỹ vẫn cần trợ cấp của chính phủ để sống qua ngày, và đó thực sự là điều đáng lo ngại bởi nền kinh tế Mỹ có mức độ phụ thuộc cao vào tiêu dùng.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tiêu dùng ở Mỹ có thể yếu đi trong những tháng tới do làn sóng Covid-19 mới khiến người dân phải ở trong nhà và gói kích cầu mới, nếu có, có thể phải đến năm 2021 mới bắt đầu phát huy tác dụng.
Mỹ UyênKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.