Chứng khoán tuần 17-21/5: Câu chuyện lạm phát dần “ấm” lên, triển vọng cổ phiếu thép vẫn tích cực

Chứng khoán
06:03 AM 17/05/2021

Đối với nhóm cổ phiếu Thép, MBS cho rằng sau một xu hướng tăng mạnh, cổ phiếu ngành này có thể đã đạt lợi nhuận ngắn hạn và giảm nhiệt, điều đó sẽ tốt về dài hạn cho các cổ phiếu cụ thể.

CTCK MBS vừa đưa ra báo cáo đánh giá chiến lược thị trường với nhiều điểm đáng chú ý.

Lạm phát đang dần "ấm" lên

Theo MBS, câu chuyện lạm phát có phần tăng nhiệt tuần qua từ những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ.

Đà tăng giá nóng của các loại hàng hóa cơ bản cũng được IHS Markit xác nhận trong báo cáo PMI tháng 5 rằng các doanh nghiệp sản xuất bắt đầu phải đẩy chi phí vào sản phẩm. Dù vậy, những số liệu CPI chính thức của Việt Nam vẫn khá bình ổn thậm chí còn giảm nhẹ trong tháng 4.

Tuy nhiên, câu chuyện lạm phát có phần ấm lên chắc chắn là một điều bất lợi cho thị trường chứng khoán nhưng liệu dấu hiệu này chỉ là tạm thời hay nó đã trở thành xu hướng thì còn sớm và cần thêm thời gian mới có thể đi đến kết luận sơ bộ. Bởi vậy, trong thời gian tới giá cả tiêu dùng còn biến động nhiều và khó mà biết được đâu là tín hiệu thực sự.

Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư có thể đang cho rằng rủi ro lạm phát chỉ là tạm thời khi thị trường chứng khoán thế giới đều phục hồi vào những phiên cuối tuần, bên cạnh đó các ngân hàng trung ương Mỹ và Châu Âu tiếp tục mở rộng bảng cân đối kế toán đã hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư bắt đáy. Tuần vừa qua, thị trường trong nước cũng không bị ảnh hưởng từ câu chuyện lạm phát của thị trường chứng khoán thế giới, sự trỗi dậy của dòng tiền nội tiếp tục là động lực đưa các chỉ số duy trì ở mức cao mới.

Triển vọng cổ phiếu thép vẫn tích cực

Đối với nhóm cổ phiếu Thép, MBS cho rằng sau một xu hướng tăng mạnh, cổ phiếu ngành này có thể đã đạt lợi nhuận ngắn hạn và giảm nhiệt, điều đó sẽ tốt về dài hạn cho các cổ phiếu cụ thể.

Mặc dù giá cổ phiếu ngành này đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm: HPG ( 48%), NKG ( 112%), SMC (110%), HSG ( 68%),…tuy nhiên triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn của ngành vẫn rất tích cực, các nhân tố hỗ trợ ngành có thể đến từ: 1) Kinh tế phục hồi nhờ Chính phủ các nước tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về xây dựng cơ sở hạ tầng 2) nguồn cung thắt chặt: đà tăng giá mạnh gần đây của quặng sắt một phần là do các mối lo ngại về nguồn cung bị gián đoạn và sản lượng giảm, bên cạnh đó Trung Quốc và Mỹ đã cắt giảm công suất ở các nhà máy thép gây ô nhiễm.

VN-Index tiếp tục đi ngang trong biên độ rộng

VN-Index tuần qua tăng gần 25 điểm nhưng vẫn không thể bứt phá lên cao hơn được và nếu nhìn từ giữa tháng 4 đến nay vẫn chỉ là đi ngang. Về kỹ thuật, MBS cho rằng nhìn chỉ số chung có lẽ khó xác định được xu hướng thị trường lúc này khi hiện tượng phân kỳ đang diễn ra.

Theo thống kê trong 1 tháng vừa qua (từ giữa tháng 4 đến hiện tại), chỉ số VN-Index chỉ tăng 10,5 điểm ( 0,84%) và bình quân cứ 1 cổ phiếu tăng thì có tới 2 cổ phiếu giảm trong khi chỉ số Vn30 tăng tới 89,3 điểm ( 6,9%) nhưng độ rộng cũng chỉ ở mức trung tính (bình quân cứ 1 mã tăng lại có 1 mã giảm). Như vậy, phần lớn cổ phiếu tăng đang tập trung ở ½ nhóm Vn30 trong khi phần còn lại là giảm điểm, do đó, MBS cho rằng việc chọn cổ phiếu quan trọng hơn là việc nhìn chỉ số.

Nhìn từ đầu tháng 5 cho tới nay, chỉ số VN-Index theo giá đóng cửa có thể đang trong mô hình tam giác hướng lên với các đáy được nâng dần lên trong khi ở vùng đỉnh đi ngang.

Trong kịch bản lạc quan, MBS cho rằng chỉ số VN-Index có thể vượt cận trên của tam giác này, khả năng sẽ hướng đến mục tiêu trong ngắn hạn ở ngưỡng 1.337 điểm.

Trong kịch bản cơ sở, khi chỉ số VN-Index vẫn sẽ duy trì trạng thái đi ngang trong biên độ rộng trong vùng hỗ trợ/kháng cự từ 1.216 – 1276 điểm sẽ là những chốt chặn quan trọng cần quan sát.

Chứng khoán tuần 17-21/5: Câu chuyện lạm phát dần “ấm” lên, triển vọng cổ phiếu thép vẫn tích cực - Ảnh 1.

Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, tiếp tục với nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tích tụ và đang có trend, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đã vượt đỉnh. Ưu tiên nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt vốn hóa lớn với KQKD tăng trưởng cao trong Q1 vừa qua. Các cổ phiếu được mang tính chu kỳ, được hưởng lợi từ sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, công nghệ, cao su, dầu khí, khai khoáng…vẫn sẽ là tiêu điểm.

Long Nhật
Ý kiến của bạn