Chung tay phục hồi thị trường du lịch

Tiêu dùng và Tiếp thị
07:52 PM 12/06/2020

Mảnh đất miền Trung đầy nắng gió khắc nghiệt nhưng lại có nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng. Làm thế nào để phục hồi ngành Du lịch hậu dịch Covid-19 là bài toán cần sớm có lời giải.

    Vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) Lữ hành Unesco Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Du lịch Hà Nội tổ chức đoàn famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) gồm 60 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch tham gia khảo sát tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nhằm đẩy mạnh liên kết, khôi phục thị trường du lịch.


    Đoàn famtrip Hà Nội khảo sát đền Chung Sơn (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

    Tiềm năng phong phú, sản phẩm đa dạng

    Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình là các tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng. Nếu như Thanh Hóa có Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, các bãi biển: Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến nườm nượp du khách thì Nghệ An lại hấp dẫn bởi dấu tích của vùng “địa linh nhân kiệt” - nơi sản sinh ra các bậc danh nhân, hiền tài, chí sĩ yêu nước. Từ thành phố Vinh, du khách dễ dàng đến với các điểm du lịch nổi tiếng như: Biển Cửa Lò, Cửa Hội, Bãi Lữ, Khu di tích lịch sử Kim Liên, Vườn quốc gia Pù Mát hay trải nghiệm du lịch cộng đồng...

    Chỉ cách Nghệ An dòng sông Lam, Hà Tĩnh cũng nổi tiếng với bãi biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích linh thiêng hay hồ Kẻ Gỗ thơ mộng. Qua đèo Ngang là tới Quảng Bình, du khách không chỉ ấn tượng với thành phố Đồng Hới nằm giữa dòng sông và bãi biển Nhật Lệ, mà còn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ của hệ thống hang động nổi tiếng như: Phong Nha - Kẻ Bàng, Thiên Đường, Sơn Đoòng, Hang Va, Tú Làn... Tại đây, du khách có thể trải nghiệm những trò chơi mạo hiểm độc đáo, hấp dẫn.

    Với nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, hấp dẫn, 4 tỉnh duyên hải Bắc Trung Bộ trên có thể tạo ra những sản phẩm độc đáo để thu hút khách.

    Kích cầu bằng các sản phẩm liên kết

    Nhận xét về tính liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội với các địa phương trên, ông Hồ Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch, Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) nói: “Thời gian gần đây đã hình thành một số mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương, trong đó nổi bật là mô hình liên kết Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình, thể hiện ở số lượng khách từ Hà Nội đến các địa phương trên luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Tuy nhiên, hiệu quả liên kết chưa cao do các địa phương chưa chú trọng đến việc hình thành các chuỗi liên kết, quy hoạch sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng, tiểu vùng. Thậm chí, tình trạng cạnh tranh lẫn nhau, manh mún, trùng lặp về sản phẩm du lịch diễn ra khá phổ biến nên chưa phát huy được thế mạnh của các địa phương”.

    Để khắc phục tình trạng trên, ông Hồ Xuân Phúc cho rằng, các địa phương nên tranh thủ thu hút dòng khách từ thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, với vai trò “anh cả”, Hà Nội nên giúp đỡ các địa phương tổ chức hoạt động giao lưu, hợp tác; các chương trình xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch. Ngoài ra, có thể tổ chức các đoàn famtrip để đưa các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội đến khảo sát, xây dựng sản phẩm...

    Ông Hoàng Minh Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao việc CLB Lữ hành Unesco Hà Nội đã chủ động khảo sát, làm việc với các đối tác để tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của du khách hậu dịch Covid-19. Trong chuỗi liên kết hiện nay giữa Hà Nội với các tỉnh miền Trung, chúng tôi tập trung khai thác các sản phẩm có tính đột biến, thu hút du khách nội địa đến các vùng biển hoang sơ hay các điểm đến mới”.

    Là tỉnh không có trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng nên Quảng Bình đã và đang tập trung quảng bá thương hiệu “Điểm hẹn an toàn và khác biệt” với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, tỉnh cam kết hỗ trợ, giảm 50% phí tham quan danh lam thắng cảnh và các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020; kêu gọi các doanh nghiệp giảm giá tour nhưng không giảm chất lượng nhằm thu hút khách du lịch từ Hà Nội và các địa phương khác.

    Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Trương Quốc Hùng cho biết, trong năm 2020 và các năm tiếp theo, thực hiện tiêu chí “Kết nối - Đoàn kết - Hành động”, CLB Lữ hành Unesco Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác liên kết, mở rộng đối tác thành viên; chỉ đạo các đơn vị hội viên mở rộng hợp tác có hiệu quả với các doanh nghiệp trong cả nước nói chung và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nói riêng. Sự liên kết mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp của Hà Nội và các địa phương sẽ góp phần sớm phục hồi thị trường du lịch nội địa và quốc tế trong thời gian tới.

     

    Linh Tâm
    Ý kiến của bạn
    Quý I, Việt Nam chi gần 351,9 triệu USD nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn phân bón Quý I, Việt Nam chi gần 351,9 triệu USD nhập khẩu hơn 1,12 triệu tấn phân bón

    Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính chung 3 tháng đầu năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 1,12 triệu tấn, trị giá gần 352 triệu USD, giá trung bình đạt hơn 314 USD/tấn, tăng gần 83% về lượng và hơn 48% về giá trị.