Chủng virus COVID-19 mới tại Anh có khả năng kháng một số loại vaccine

Sức khỏe
05:23 PM 18/02/2021

Biến chủng virus COVID-19 mới phát hiện này có tên gọi B1525 mang nhiều đặc điểm khác và nguy hiểm so với chủng đột biến được các nhà nghiên cứu ở Anh phát hiện trước đây.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Edinburgh (Anh) vừa đưa ra một báo cáo về biến chủng mới của virus Corona được gọi là B1525. Các chuyên gia cho hay, biến chủng này đã xuất hiện ở 10 nước, trong đó có Đan Mạch, Mỹ, Úc, riêng Anh ghi nhận 32 trường hợp. Biến chủng này được phát hiện qua biện pháp giải trình tự gen với mẫu bệnh phẩm thu thập ở 10 quốc gia nói trên.

Phát hiện chủng virus COVID-19 mới tại Anh có khả năng kháng vắc xin - Ảnh 1.

Biến thể virus SARS-CoV-2 mới đã xuất hiện ở 10 quốc gia. Ảnh: Reuters

Nhóm nghiên cứu cho biết, bộ gen của biến chủng mới có nhiều điểm tương đồng với biến chủng B117. Bên cạnh đó, B1525 cũng mang những đột biến khiến các nhà nghiên cứu lo ngại, gồm đột biến E484K ở protein gai. Đây là loại protein được tìm thấy bên ngoài virus, có vai trò quan trọng trong việc giúp virus xâm nhập vào tế bào. Đột biến E484K từng được phát hiện trong các biến thể xuất hiện ở Nam Phi và Brazil, được cho là có khả năng tránh kháng thể vô hiệu hóa do cơ thể người sinh ra.

Ông Simon Clarke, chuyên gia về vi sinh vật học tế bào tại Trường Đại học Reading cho biết, hiện vẫn chưa thể xác định mức độ tác động của các đột biến đối với khả năng lây nhiễm và độc tính của biến chủng virus Corona mới. Tuy nhiên, việc mang đột biến E484K có khả năng giúp chủng B1525 kháng lại một số loại vaccine ở mức độ nhất định, tương tự như biến chủng ở Nam Phi.

“Chúng tôi hiện vẫn chưa tìm ra phương thức lây lan của biến chủng mới này nhưng nếu nó đột biến thành công, khả năng con người miễn dịch bằng vaccine hoặc sức đề kháng sau nhiễm sẽ thiếu hiệu quả”, chuyên gia Clarke nhận định.

Ông khuyến nghị: “Tôi nghĩ rằng cho tới khi chúng ta biết thêm về những biến chủng này, bất cứ biến chủng nào mang đột biến E484K đều cần được xét nghiệm hàng loạt vì loại đột biến này có nguy cơ gây ra khả năng kháng miễn dịch rất cao”.

Tiến sĩ Lucy van Dorp, thuộc Viện Di truyền học tại Trường Đại học London cho biết, việc phát hiện sớm các biến thể mới hết sức quan trọng. Bà cho biết: "Một trong những lợi thế chính của việc giám sát bộ gen virus là sớm phát hiện ra các biến thể tiềm ẩn, dù chúng vẫn còn ở tần suất hoạt động thấp. Từ đó, các nhà nghiên cứu có thể đánh giá tác động và tỷ lệ phát triển của virus ở các khu vực khác trên thế giới, nhằm tạo ra các loại vaccine mạnh hơn".

Tổ chức Y tế Công cộng Anh (PHE) cho biết: "PHE đang theo dõi các biến thể mới chặt chẽ và can thiệp sức khỏe cộng đồng khi cần thiết như xét nghiệm thêm và theo dõi sức khỏe tăng cường.

Hoài Thương (Theo Guardian)
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống Đà Nẵng - từ tình người đến tình yêu với thành phố đáng sống

“Tôi muốn sống ở đây mãi mãi, lâu đến khi nào có thể”. Có lẽ không chỉ nữ nghệ sĩ Brazil Machini mà còn rất nhiều người trong số gần 16.000 người “xê dịch” đến Đà Nẵng mỗi năm cũng chung dự định: định cư lâu dài tại thành phố, không chỉ bởi thiên nhiên, chất lượng sống mà còn bởi một “vũ khí bí mật” khác mang tên… tình người.