Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp

Kinh doanh
09:42 AM 17/11/2023

Chuỗi cung ứng bền vững là xu hướng tất yếu hiện nay. Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng, các doanh nghiệp cung ứng hiện nay cũng cần định hướng tầm nhìn phát triển bền vững, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong vòng hai thập kỷ, Việt Nam đã thực sự trở thành công xưởng sản xuất đang lên của thế giới. Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 28/7/2023 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.

Ngày nay, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nội địa khi các quy định về phát triển bền vững và trách nhiệm tra soát đang ngày càng gia tăng và trở thành xu hướng tất yếu trong chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn tới.

Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp- Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi toạ đàm

Bên cạnh những yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng, các doanh nghiệp cung ứng hiện nay cũng cần định hướng tầm nhìn phát triển bền vững và chiến lược kinh doanh có trách nhiệm, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiềm năng, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.

Trong khuôn khổ diễn ra triển lãm VIMEXPO 2023, Cục Công nghiệp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ Việt Nam phối hợp tổ chức Toạ đàm "Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp".

Toạ đàm là không gian chia sẻ, thảo luận về xu hướng tất yếu hiện nay cũng như một số giải pháp thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cải thiện vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tham gia buổi tọa đàm có ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; Bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc, Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng đại diện các tổ chức: Dự án Sáng kiến Đoàn kết Toàn cầu (IGS), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ Việt Nam; Liên minh các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (RBA); Đại diện các doanh nghiệp Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Cổ phần Fitek Việt Nam và Công ty TNHH Giải pháp cung ứng bền vững toàn cầu (GSS) cùng với đại diện các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng tham dự và thảo luận.

Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp- Ảnh 2.

Một gian hàng của đơn vị trong nước tham gia VIMEXPO 2023

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục Trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ: "Tôi tin rằng với sự đồng lòng và quyết tâm của Chính phủ, các tổ chức, các hiệp hội và các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được phát triển mạnh mẽ, từng bước gia tăng khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, giúp ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung sẽ phát triển vượt bậc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế".

Đối với xu hướng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới hiện nay, bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc, Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại tọa đàm: "Việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam không chỉ quan tâm việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà cần dành sự đầu tư thích đáng và phù hợp đối với thực hành kinh doanh có trách nhiệm, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và quy định pháp luật trong nước về lao động và môi trường. Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp Việt Nam tự tin tham gia và từng bước khẳng định vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu".

Đại diện Công ty TOYOTA Việt Nam tại hội thảo trình bày bài tham luận về nỗ lực của TOYOTA Việt Nam trong việc phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Bên cạnh việc đưa ra những đánh giá và nhận xét về thị trường ngành Công nghiệp Ô Tô Việt Nam, ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Tổng trưởng ban Kế hoạch kinh doanh, Công ty Ô tô TOYOTA Việt Nam cũng chia sẻ về những hoạt động của TOYOTA với những nỗ lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, góp phần bảo vệ môi trường, những nỗ lực trong đối thoại chính sách với Chính phủ, đồng thời đề xuất các ý kiến để phát triển chuỗi cung ứng bền vững cho ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Chuỗi cung ứng bền vững: Cách tiếp cận mới cho doanh nghiệp- Ảnh 3.

Với nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật...

Nhận định về xu hướng hiện nay cùng những yêu cầu đối với nhà cung cấp, bà Đỗ Quỳnh Chi, Liên minh các doanh nghiệp kinh doanh có trách nhiệm (RBA) nhận định: "Các quốc gia EU, Mỹ và sắp tới là Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đều theo xu hướng rà soát trách nhiệm về quyền con người. Các doanh nghiệp đầu chuỗi hiện cũng đang tiến hành vẽ sơ đồ chuỗi một cách toàn diện, sau đó sẽ là xác định mức độ rủi ro ở các tầng lớp và bộ phận của chuỗi".

Đối với xu hướng phát triển bền vững cùng những yêu cầu như hiện nay, ông Phạm Thanh Tùng, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương chia sẻ: "Với nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu như hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất dựa trên chuyển đổi số, cải thiện kỹ năng, trình độ nguồn nhân lực. Có như vậy mới đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu".

Với những chính sách và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, cùng với sự đóng góp phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, buổi toạ đàm được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều giá trị, thông tin hữu ích đến các doanh nghiệp, từng bước đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mai Phương
Ý kiến của bạn
Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024 Tổng Bí thư Tô Lâm tham dự Chương trình 'Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024

Tối 15/11, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024" - Tôn vinh các điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.