Chuỗi cung ứng 'căng như dây đàn', các cảng ở Trung Quốc tắc nghẽn nghiêm trọng nhất thế giới
Từ Thâm Quyến đến Los Angeles, mưa bão, dịch bệnh và tình trạng thiếu lao động đang tiếp tục gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Gần 100 con tàu đang xếp hàng chờ để cập cảng container ở Hồng Kông và Thâm Quyến chỉ là những dấu hiệu mới nhất cho thấy vấn đề của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đẩy giá tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ lên cao, dẫn đến tình trạng thiếu hụt hàng hóa từ đồ chơi Giáng Sinh cho đến đồ gia dụng.
Tình trạng tắc nghẽn ở miền Nam Trung Quốc hiện đang tồi tệ nhất thế giới. Một cơn bão quét qua đã khiến các cảng phải đóng cửa 2 ngày trong tuần này. Nhưng thời tiết xấu chỉ là một yếu tố làm gián đoạn việc vận chuyển. Vấn đề ùn tắc vốn đã xảy ra kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vào tháng 8, chỉ với một trường hợp dương tính với Covid-19 mà cả một nhà ga ở cảng Ninh Ba, ngoại ô Thượng Hải, bị tê liệt trong 2 tuần.
Theo dữ liệu thời gian thực từ Kuehne Nagel, một trong những công ty giao nhận hàng hóa lớn nhất thế giới, hiện có 584 tàu container đang mắc kẹt ngoài khơi trên toàn thế giới, gần gấp đôi con số hồi đầu năm,
Simon Heaney, nhà phân tích tại công ty tư vấn hàng hải Drewry, cho biết: "Chuỗi cung ứng đã bị ảnh hưởng từ mọi góc độ và đã bị phá vỡ đến mức chưa từng có. Các vấn đề nằm sâu xa hơn nhiều so với những gì bạn thấy ở các cảng".
Nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng tăng, lịch trình tàu container bị gián đoạn do Covid gây ra, sự thiếu hụt công nhân cảng và tài xế xe tải đã gây ra trì hoãn tại cảng.
Thêm một vấn đề nữa là khi tàu cập cảng muộn hơn dự kiến, các hoạt động vận chuyển hàng hóa và lịch trình xoay vòng bị lệch không theo trình tự, gây ra gián đoạn đối với các dịch vụ vận tải và kho bãi.
Những khó khăn trong chuỗi cung ứng được phản ánh trong sự gia tăng chi phí vận chuyển. Theo Freightos, giá vận chuyển một container 40 feet trung bình trên toàn cầu hiện nay là gần 10.000 USD, cao gấp 3 lần so với đầu năm 2021 và gần 10 lần so với trước đại dịch.
Ông Detlef Trefzger, giám đốc điều hành của Kuehne Nagel, cho rằng tình trạng tắc nghẽn vận tải biển sẽ kéo dài ít nhất cho đến Tết của Trung Quốc vào đầu tháng 2 và có thể sẽ còn tồi tệ hơn. Số khác tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài hơn nữa, đặc biệt nếu thời tiết xấu đi hoặc Trung Quốc có nhiều đợt bùng phát Covid-19 hơn vì chiến lược zero Covid mà nước này theo đuổi.
Ở châu Âu, nhiều tàu container phải chờ đợi bên ngoài Hamburg và Antwerp. Ngay cả khi các tàu không phải chờ nhiều ngày trên biển, vẫn có sự gián đoạn lớn xảy ra. Tại cảng Rotterdam ở Hà Lan và tại Felixstowe ở Anh, tắc nghẽn trong quá trình vận chuyển hàng hóa là do thiếu tài xế xe tải và đường thủy nội địa bị ùn tắc.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra với các cảng ở bờ biển phía tây nước Mỹ. Mặc dù số lượng lớn tàu container chờ ngoài khơi đã giảm từ mức kỷ lục 76 xuống còn 57, tình trạng thiếu nhân công cảng và tài xế xe tải khiến các tàu phải mất tới 12 ngày để thả neo và dỡ container. Điều này làm chậm trễ việc giao hàng từ giày thể thao đến trái cây nhiệt đới và đồ chơi.
Đó là lý do vì sao phải mất thời gian gấp 3 lần so với trước đai dịch để thông tàu ở Los Angeles và Long Beach. Ngược lại, các cảng lớn ở Trung Quốc, hoạt động 24/24, 7 ngày một tuần, chỉ mất 20% thời gian.
Vấn đề nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải thúc đẩy các công ty vận tải đường sắt, đường bộ và các cảng tăng công suất. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn bao gồm Walmart và UPS đã cam kết đẩy mạnh nỗ lực vận chuyển hàng hóa.
Ông Lars Jensen, một nhà phân tích vận tải container tại Vespucci Maritime, cho biết ngay cả khi các vấn đề bắt đầu giảm bớt, tình trạng tắc nghẽn ở cảng vẫn sẽ xảy ra. Nó sẽ bắt đầu xảy ra ở khắp mọi nơi khi các tàu bị trì hoãn cố gắng cập cảng cùng một lúc.
Theo Financial Times
Khánh LyTrước biến động của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp dự báo giá xăng trong nước ngày mai có thể tăng từ 250-300 đồng/lít; còn giá dầu tăng mạnh hơn.