Chương trình Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất của Deloitte – sân chơi mới cho doanh nghiệp tư nhân Việt
Lần đầu tiên tại Việt Nam, Deloitte tổ chức chương trình Best Managed Companies - Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất nhằm mục đích ghi nhận các doanh nghiệp tư nhân thông qua việc đánh giá thành công và phát triển trên phương diện quản trị, quy trình vận hành tổ chức.
Những điểm khác biệt của Best Managed Companies - Chương trình Doanh nghiệp được Quản trị tốt nhất
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là động lực quan trọng và tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Theo mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 10-NQ/TW, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55% vào năm 2025, và đến năm 2030 khoảng 60 - 65% GDP của nền kinh tế.
Mặc dù vai trò quan trọng khu vực kinh tế tư nhân là điều không thể phủ nhận, nhưng chưa có nhiều chương trình hướng đến thúc đẩy phát triển khu vực này. Các giải thưởng, chương trình chủ yếu đến từ các đơn vị tổ chức độc lập chủ động lựa chọn doanh nghiệp xứng đáng, các doanh nghiệp dự thi ít khi được tham gia vào quá trình xét duyệt để hiểu rõ các tiêu chí giúp doanh nghiệp mình vượt trội hơn các doanh nghiệp khác ra sao.
Khác với các chương trình và giải thưởng đã diễn ra, lần đầu tiên tại Việt Nam, Deloitte tổ chức chương trình Best Managed Companies - Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất nhằm mục đích ghi nhận các doanh nghiệp tư nhân thông qua việc đánh giá thành công và phát triển trên phương diện quản trị, quy trình vận hành tổ chức.
Đánh giá về chương trình Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất từ góc nhìn của một giám khảo độc lập của chương trình, bà Phạm Chi Lan chia sẻ: "Đây là một chương trình rất hay, đưa tiêu chuẩn quốc tế để các doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực tư nhân có một thước đo mới để so sánh doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp khác trong khu vực và toàn cầu. Chương trình cung cấp các công cụ rất tốt để doanh nghiệp hiểu được những khía cạnh quan trọng nhất doanh nghiệp cần quan tâm trong quản trị, những điểm cần lưu ý và vượt qua để đạt được danh hiệu Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất. Ngay cả khi chưa đạt được danh hiệu trong lần tham gia lần này, doanh nghiệp cũng được tiếp cận và học từ những phương pháp quản trị, quy trình vận hành của các doanh nghiệp tiên tiến trên thế giới."
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng có đồng quan điểm với bà Chi Lan về việc doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ hiểu sâu hơn về lý do tại sao doanh nghiệp họ không đạt danh hiệu, để từ đó xây dựng chiến lược và cách thức nâng cao năng lực, mở rộng hoạt động kinh doanh.
"Cách thức tổ chức chương trình đem lại cho những doanh nghiệp tham gia các lợi ích rõ ràng, ngay cả khi có thể không nhận được danh hiệu. Vì bản thân doanh nghiệp trải qua một quá trình sử dụng những công cụ, tự đánh giá những điểm yếu, điểm mạnh. Một số chương trình khác hiện nay đôi khi chỉ dừng lại ở việc nhặt ra một số doanh nghiệp để chấm giải, những doanh nghiệp khác không được chấm, cũng không được công bố những điểm mình đang yếu." - Ông Hiếu nhấn mạnh.
Chương trình Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất của Deloitte không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp niêm yết, có quy mô lớn, mà mở rộng ra cả các doanh nghiệp tư nhân có tiềm năng phát triển, hướng đến việc quản trị chuyên nghiệp. Với đối tượng doanh nghiệp tham gia như vậy, ông Hiếu cho rằng chương trình có tác dụng gián tiếp đến mong muốn và nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao năng lực cạnh trạnh của doanh nghiệp Việt.
Nhận xét về chương trình, bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc chương trình MSM (Maastricht School of Management), Khoa Quản lý công nghiệp, Trường ĐH Bách Khoa TP. HCM chia sẻ quan điểm về những lợi ích mà chương trình mang lại cho doanh nghiệp trực tiếp tham gia và các bên liên quan trong hệ sinh thái của doanh nghiệp như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác của doanh nghiệp…. Ví dụ, nhân viên các cấp của doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về chiến lược, từ đó gắn bó hơn với doanh nghiệp; các khách hàng và đối tác của doanh nghiệp đều hưởng lợi ích lan tỏa từ việc doanh nghiệp nhận diện rõ hơn chính mình và đáp ứng tốt hơn các giá trị trong các mối quan hệ hợp tác với các bên.
Sau quá trình tham gia chương trình, bà Hiền chia sẻ về thực trạng mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quen sử dụng các dịch vụ tư vấn liên quan đến tổ chức và chiến lược. Doanh nghiệp mạnh, có năng lực và tiềm năng, nhưng lại loay hoay và lúng túng trong những giá trị mà họ đang có. Nếu những giá trị được khai thác hiệu quả hơn ở góc độ chiến lược thì tiềm năng của doanh nghiệp sẽ lớn hơn nhiều. Tổng kết đánh giá về chương trình, bà Hiền cho biết đây là chương trình tương đối mới mẻ tại Việt Nam, giúp tạo đà cho nhóm doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần sự hỗ trợ về chiến lược, quản trị. Điều đặc biệt của Chương trình Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất của Deloitte là các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia sẽ được hưởng lợi từ tư vấn đến từ chuyên gia của Deloitte, mà không cần trả phí.
Cuộc họp giữa huấn luyện viên Deloitte và Ban Giám khảo chương trình Best Managed Companie
Nhìn lại những điểm mạnh – yếu của Doanh nghiệp tư nhân Việt
Với kinh nghiệm gần ba mươi năm triển khai chương trình Doanh nghiệp được Quản trị Tốt nhất tại 25 quốc gia trên thế giới, Deloitte đã xây dựng khung đánh giá một doanh nghiệp được quản trị tốt nhất bao gồm: chiến lược kinh doanh; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; quản trị công ty và tài chính; văn hóa doanh nghiệp và cam kết.
Dựa theo khung đánh giá của chương trình, ông Hiếu chia sẻ quan điểm, phần lớn các doanh nghiệp tham gia quan tâm và tập trung nhiều vào yếu tố tài chính, tiếp đó là văn hóa doanh nghiệp, còn phần chiến lược kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự đổi mới thì sẽ còn rất nhiều cơ hội để họ có thể nâng cấp.
Bà Chi Lan cũng cho rằng, tài chính là khía cạnh thiết thực mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam quan tâm nhất vì hệ thống báo cáo, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước, hay các đối tác hầu như đều nhìn vào yếu tố này đầu tiên.
"Nhưng việc có được bản báo cáo tài chính lành mạnh chưa có nghĩa doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt công việc quản trị tài chính, khi thực tế, quản trị tài chính còn nhiều vấn đề đòi hỏi rộng hơn. Nếu Deloitte tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp thì có thể đóng vai trò tư vấn để giúp doanh nghiệp nhìn nhận và cải thiện năng lực về quản trị tài chính, cũng như các mặt khác." – bà Chi Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tập trung vào tài chính, doanh nghiệp Việt Nam đã hiểu được sự cần thiết của ba khía cạnh còn lại về chiến lược kinh doanh; năng lực cạnh tranh và sự đổi mới; văn hóa doanh nghiệp. Nhưng bản thân doanh nghiệp còn lúng túng, chưa xác định được rõ những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, mục tiêu muốn đạt được, phương thức xây dựng và quản trị chuyên nghiệp và phù hợp.
Theo bà Chi Lan, nhìn chung, trình độ quản trị của các doanh nghiệp tư nhân Việt hiện còn có khoảng cách không nhỏ so với những chuẩn mực của các doanh nghiệp tốt trên thế giới. Nhưng cũng có những bức tranh khá đẹp là điểm tựa, giữ niềm tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn tới được những trình độ quản trị càng ngày càng tốt hơn nếu như biết cách học hỏi, đưa ra được chiến lược đúng và có những người lãnh đạo tốt.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của mình, bà Hiền cho biết: "Nếu để chắc có bốn trụ cột này không thì doanh nghiệp Việt Nam chắc có hết, nhưng chưa mạnh và các trụ cột chưa được kết nối lại thành hệ thống."
Bà Hiền cho rằng, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện có hai thế mạnh. Thứ nhất là khát khao của người lãnh đạo, họ muốn doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, bên cạnh yếu tố văn hóa cam kết và quyết tâm của tập thể (collective culture) – điều đã giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong quá khứ. Thứ hai là năng lực và tiềm năng phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh có nhiều cơ hội tăng trưởng và đầu tư trong và ngoài nước.
Hướng tới tương lai, để thực sự phát triển thành công và bền vững, doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển được xây dựng rõ ràng, được triển khai cụ thể, và cần có chiến lược phát triển nhân sự kế cận, cũng như cần chủ động tiếp nhận các tư vấn quản trị, tư vấn chiến lược độc lập từ các thành viên hội đồng quản trị độc lập, hoặc các tư vấn độc lập có thể giúp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong dài hạn.
PVKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.