Chương trình OCOP - làn gió mới cho sản phẩm nông nghiệp Si Ma Cai phát triển
Xuất phát điểm là 1 huyện thuần nông, cuộc sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên huyện Si Ma Cai luôn xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương. Qua đó, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Nhắc đến Si Ma Cai người ta nghĩ ngay đến những phiên chợ vùng cao tấp nập đông vui, nhiều thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và những không gian văn hóa dân tộc Mông đậm đà bản sắc. Nơi đây còn được biết đến bởi những loại trái cây ăn quả ôn đới như mận Tả Van, lê Tai Nung hay những sản phẩm dược liệu quý như tam thất, đương quy.
Thời gian qua, Si Ma Cai đã khai thác có hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tự nhiên để hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính đặc thù. Các giống cây con đặc sản địa phương như cây ăn quả ôn đới, chăn nuôi đại gia súc, rau trái vụ được khai thác tối đa lợi thế và hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế tập thể.
Về vùng cao Si Ma Cai lần này, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên trước sự đổi thay, từ một huyện còn gặp nhiều khó khăn, nay đang chuyển mình mạnh mẽ, bức tranh tổng thể nông nghiệp đã điểm tô thêm nhiều màu sắc. Dạo thăm một vòng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những mô hình kinh tế quy mô lớn được áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào trong sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trẻ em nay có điều kiện tốt hơn khi cắp sách tới trường.
Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc thực hiện Chương trình, huyện Si Ma Cai đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Trong đó, huyện chú trọng tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP cấp huyện, xã và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm. Bám sát tình hình thực tế địa phương, huyện đã tập trung và có nhiều giải pháp phát triển sản phẩm OCOP.
Trò chuyện với ông Hoàng Văn Dương - Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai để lý giải rõ hơn về những đổi thay tích cực của địa phương trong thời gian qua, ông cho biết: Đó chính là thành quả của việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp và sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình từ người dân bằng những việc làm thiết thực, Chương trình OCOP đã và đang tạo ra những hiệu ứng tích cực trên nhiều mặt.
Đến nay, huyện Si Ma Cai đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm này đều tham gia trên sàn thương mại điện tử trong đó tập trung vào các loại cây ăn quả và một sản phẩm chăn nuôi là giống bản địa, cụ thể như Trà túi lọc Tam thất Si Ma Cai; Mận Tả Van Si Ma Cai; Lê Si Ma Cai; Trứng vịt Sín Chéng.
Trong năm 2022, địa phương dự kiến sẽ có 1 đến 2 sản phẩm tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và cấp tỉnh gồm: Lạc đỏ xã Nàn Sín huyện Si Ma Cai; quả lê Tai Nung xã Lùng Thẩn huyện Si Ma Cai.
Qua đánh giá, các sản phẩm OCOP của huyện chất lượng tốt, hình thức, mẫu mã đẹp và có sức cạnh tranh cao, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất, đảm bảo thương hiệu của sản phẩm OCOP cũng như quyền lợi người tiêu dùng.
Tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP vươn xa
Thực tế triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ở Si Ma Cai cho thấy, với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, việc thực hiện có hiệu quả Chương trình sẽ là cơ sở quan trọng khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc trong huyện.
Trong thời gian tới, để Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tiếp tục lan tỏa, các sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, ông Hoàng Văn Dương cho rằng: Ý tưởng sản xuất, làm sản phẩm OCOP phải xuất phát từ đề xuất của người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp, tránh áp đặt từ trên xuống. Đồng thời công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền phải đồng bộ, nhất quán, thường xuyên, liên tục, phải xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của đề án và huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Cùng với đó, cần coi trọng công tác xây dựng bộ máy để tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo OCOP, quan tâm công tác đào tạo tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm OCOP. Thực tế cho thấy các địa phương càng quan tâm giúp đỡ sát sao cho người dân có ý tưởng mới, hình thành các sản phẩm OCOP mới, cùng với việc quản lý, đánh giá nghiêm túc, khách quan thì càng tạo nguồn cảm hứng mới để Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ.
Đến thời điểm hiện tại, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đang tiếp tục góp phần tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn của địa phương và kỳ vọng sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tích cực trong thời gian tới. Từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành các chuỗi liên kết hiệu quả, thay đổi diện mạo nông thôn huyện Si Ma Cai theo hướng văn minh và phát triển bền vững. Tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP vươn xa.
Dự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.