Chương trình phục hồi kinh tế sẽ kéo dài 2 năm, trình Quốc hội cuối năm nay
Trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 11/11, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông tin, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm. Chương trình dự kiến kéo dài trong 2 năm (2022-2023).
Cụ thể, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Bộ trưởng nhìn nhận đây là vấn đề quan trọng, phức tạp của đất nước, tác động toàn diện tới nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp thực tiễn trong ngoài và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng của đất nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong nhận được ý kiến, đề xuất sâu sắc, tâm huyết, để tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình để trình cấp có thẩm quyển xem xét sớm.
Ảnh VGP/Nhật Bắc
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về quan điểm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng nhấn mạnh, chương trình này phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, ông nhấn mạnh phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.
Ngoài ra, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, chương trình cần tập trung tập trung vào những chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ đồng thời phải tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa.
Chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện cụ thể để đảm bảo khả thi, hiệu quả, hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay - trả của nền kinh tế.
Về mục tiêu, phải phục hồi phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128. Hơn nữa, đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để hoạt động trong mọi điều kiện trước tình hình của dịch bệnh, đảm bảo tăng trưởng 2021-2025 là 6,5-7%.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm. Chương trình dự kiến kéo dài trong 2 năm (2022-2023). "Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay thì sẽ thực hiện ngay đầu năm 2022 để phục hồi và phát triển nền kinh tế, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra", Bộ trưởng kết luận.
Hà TrầnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.