Chuyến bay xuyên Đại Tây Dương dùng 100% nhiên liệu xanh
Chiếc máy bay Virgin Boeing 787 của hãng hàng không Virgin Atlantic đã thực hiện chuyên bay bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu máy bay bền vững (SAF) từ London (Anh) đến New York (Mỹ).
Sự kiện này ghi nhận dấu mốc mới trong bối cảnh ngành hàng không thế giới đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon trong tương lai thông qua sử dụng nhiên liệu thay thế.
Chuyến bay sử dụng loại nhiên liệu bền vững đã khởi hành từ thủ đô London vào lúc 11h30 giờ GMT ngày 28/11 và đến Sân bay Quốc tế John F. Kennedy của thành phố New York vào lúc 14h40 giờ miền Đông - EST cùng ngày. Máy bay Boeing 787 được trang bị động cơ Trent 1000 của Rolls-Royce.
Virgin Atlantic cho biết, nhiên liệu dùng cho chuyến bay hôm 28/11 chủ yếu làm từ dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật thải trộn với một lượng nhỏ dầu kerosene thơm tổng hợp làm từ phế phẩm ngô.
Trong số các hành khách tham gia chuyến bay có tỷ phú Richard Branson, CEO Virgin Atlantic Shai Weiss và Bộ trưởng Giao thông Anh Mark Harper.
Đây không phải là chuyến bay đầu tiên sử dụng nhiên liệu thay thế. Trước đó, chuyên cơ hạng thương gia G600 của tập đoàn Gulfstream cũng đã thực hiện thành công chuyến bay sử dụng cùng loại nhiên liệu. Hãng Emirates của Dubai đã thực hiện chuyến bay chở khách lớn nhất thế giới trên chiếc A380, sử dụng SAF cho một trong bốn động cơ.
Hiện, hàng không chiếm khoảng 2-3% lượng khí thải carbon toàn cầu và khó khử carbon so với đường bộ. Các động cơ phản lực thương mại ngày nay thường chỉ cho phép tối đa 50% SAF kết hợp với dầu kerosene truyền thống.
Các hãng hàng không đang trông chờ vào nhiên liệu bền vững để giảm tới 70% lượng khí thải, nhưng do chi phí cao và nguồn cung nguyên liệu cần thiết để sản xuất SAF khiến việc sản xuất quy mô lớn trở nên khó khăn. SAF chiếm chưa đến 0,1% tổng lượng nhiên liệu máy bay phản lực được sử dụng trên toàn cầu hiện nay và có giá cao gấp 3 đến 5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường.
Ngành hàng không hy vọng, chuyến bay dùng 100% nhiên liệu xanh của hãng hàng không Virgin Atlantic sẽ nhấn mạnh mục tiêu giảm lượng khí thải và kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ.
Nhiều hãng hàng không châu Âu, bao gồm Virgin, IAG (ICAG.L) thuộc sở hữu của British Airways và Air France (AIRF.PA), đều muốn sử dụng 10% SAF vào năm 2030. Mục tiêu của ngành là đưa lượng khí thải về "bằng 0" vào năm 2050, do đó, ngành hàng không buộc phải đưa tỷ lệ sử dụng SAF tăng lên 65%.
Theo CEO Rolls-Royce, Tufan Erginbilgic, SAF là giải pháp duy nhất để khử carbon cho những chuyến bay thương mại trong trung hạn, nhưng các nhà phân tích cho rằng mục tiêu năm 2030 sẽ rất khó đạt được do SAF ít được sử dụng và chi phí cao.
Minh An (Theo Reuters)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.