Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu
Hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Ngày 17/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công thương và các đơn vị liên quan tổ chức “Hội thảo tác động của Cop26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo, còn có đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài Nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; các tổ chức: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Viện tăng trưởng xanh toàn cầu tại Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
Ngoài ra, còn có các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và ngoài nước, cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Chương trình Hội thảo có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay Petrolimex, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP.
Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận, tham vấn các chủ thể có liên quan về các nhiệm vụ, hành động để thực hiện thành công "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc thực hiện cam kết mạnh mẽ về đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong "Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" cũng như hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững đất nước, hàng loạt chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành "Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" vào tháng 10/2021, ngay trước thềm Hội nghị COP26. Nhằm cụ thể hóa Chiến lược này, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030".
Việc triển khai Chiến lược và Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh trong thời gian tới sẽ giúp thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Qua đó góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội quốc gia, hiện thực hóa cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ: Chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, "Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030" nhấn mạnh định hướng "nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp".
Ngoài ra, cần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia.
"Có thể nói, đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị COP26, lần đầu tiên gần 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tham gia "Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch". Việc cụ thể hóa từ cam kết toàn cầu thành mục tiêu quốc gia đã thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như đã cam kết thì vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện.
Với vai trò là người đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan đầu mối trong triển khai Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững SDGs - Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đã trình bày các vấn đề liên quan đến quá trình chuyển dịch năng lượng để Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận.
Đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta đều chung một nhận thức rằng, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững được xem là yếu tố then chốt để giảm phát thải khí nhà kính, đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu và là một trong 10 định hướng quan trọng của Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia".
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An khẳng định, Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia "Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch" là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
"Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Một trong những văn bản hết sức quan trọng là dự thảo "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An, hiện nay, dự thảo "Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Những cơ chế hợp tác đa phương và song phương là rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam.
Để đảm bảo mục tiêu phát triển theo hướng tăng, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau: Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo; Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế.
Đồng thời, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã trình bày các chủ đề, nội dung xoay quanh xu hướng chuyển dịch năng lượng với nhiều thông tin mang tính tổng hợp, đa chiều để cùng thảo luận, trao đổi, đóng góp cho việc xây dựng một lộ trình hiệu quả cho chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững tại Việt Nam.
Hội thảo cũng đã được nghe các báo cáo, trình bày về chuyển dịch năng lượng xanh hướng tới các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP26; khuyến nghị chính sách cho chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam; dung hòa phát triển kinh tế và rủi ro khí hậu; kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thực hiện tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon; chuyển dịch năng lượng trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh giai đoạn mới...
Trong khuôn khổ Hội thảo còn diễn ra buổi Tọa đàm về nội dung chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh trong bối cảnh toàn cầu mới, cung cấp nhiều thông tin mang tính tổng hợp về chủ đề chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Hội nghị COP26 vừa qua.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược. Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, với nguồn lực còn hạn chế đang có những bước đi thực sự trong chuyển đổi cơ cấu năng lượng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bên cạnh việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, việc sử dụng năng lượng hiệu quả là cực kỳ quan trọng trong chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững. Theo đó, cần có các biện pháp chủ động hơn nữa trong sử dụng năng lượng hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và cần tăng cường năng lực tốt hơn cho địa phương về vấn đề này.
"Quá trình chuyển dịch năng lượng xanh, bền vững của Việt Nam cần nhận được sự đồng hành và hỗ trợ thỏa đáng từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển và công ty, tập đoàn lớn của thế giới" - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.
Khép lại hội thảo, các đại biểu cùng bày tỏ quan điểm: Để thực hiện thành công "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050", bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cần có quyết tâm chính trị rất lớn và sự phối hợp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả từ tất cả các bên liên quan; quan trọng nhất là phải có sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Nguyễn HạnhTheo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 11/2024, xuất khẩu cá tra giá trị gia tăng (GTGT) sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng 4.270% (tương đương tăng gấp 42 lần) so với cùng kỳ năm 2023.