Chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn và thách thức đặt ra cho doanh nghiệp Việt
Kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới với nhiều mô hình tiên phong của các tập đoàn, doanh nghiệp chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Không chỉ dành nguồn lực đầu tư lớn, doanh nghiệp còn phải chấp nhận đương đầu với thử thách vì một nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Tính cấp thiết của kinh tế tuần hoàn
Cạn kiệt tài nguyên là vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra trên toàn cầu, thúc đẩy doanh nghiệp và xã hội phải ứng dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm tài nguyên.
Ông Nguyễn Mại - Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết kinh tế tuyến tính đang gây ra áp lực về suy giảm tài nguyên. So với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thế giới đã tăng 190%, nhu cầu tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động kinh tế hiện nay gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Năm 2014 có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa nằm trong các đại dương và dự báo 2050 khối lượng rác thải nhựa trong các đại dương trên toàn cầu còn nhiều hơn tổng số lượng cá ngoài đại dương; làm suy thoái đất, mất rừng, suy giảm đa dạng sinh học, gia tăng phát thải. Do đó, nếu không thay đổi phương thức sản xuất thì không tránh khỏi hậu quả cạn kiệt tài nguyên.
Việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là việc làm cần thiết. Đây là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đến nay kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu thế tất yếu của sự phát triển kinh tế các quốc gia trên thế giới. Việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp hạn chế biến đổi khí hậu.
Ông David Riddle - Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát
Có cùng quan điểm này, ông David Riddle, đại diện Công ty Tân Hiệp Phát cho rằng kinh tế tuần hoàn là chìa khóa cho phát triển bền vững. Ngay cả các nền kinh tế có mức độ phát triển cao như Singapore cũng đã phải xem xét lại cách thức quốc gia có thể bảo vệ thành công môi trường và tài nguyên của mình và đạt được tính tuần hoàn. Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) thì đã đưa ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa như tính thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa trong thành phố.
Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn đã hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn từ rất sớm. Ông David Riddle đưa ra ví dụ nổi bật về Công ty Estee Lauder, một công ty gia đình được thành lập ở Hoa Kỳ vào năm 1946 và từ những năm 1970 đã chú trọng giảm thiểu bao bì đóng gói với các tiếp cận đơn giản là không đóng gói bao bì cho người tiêu dùng trừ khi họ có lý do cụ thể.
Boots, chuỗi bán lẻ dược phẩm và chăm sóc sức khỏe ở Vương quốc Anh đã có chiến lược thu hồi vỏ đựng sản phẩm về lại cửa hàng để tái chế thông qua chương trình thẻ thành viên và tích điểm, đổi sản phẩm cho khách hàng đưa lại vỏ.
Lợi ích cho doanh nghiệp và cộng đồng
Khi lựa chọn phát triển xanh với chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại cho rằng, doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai vì đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đi theo lối mòn của mô hình sản xuất hiện tại thì sẽ đối mặt với rủi ro trong tương lai, khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt.
Mô hình 3R được Tân Hiệp Phát áp dụng từ năm 2013 đến nay
Tại Việt Nam, điển hình trong ngành sản xuất nước giải khát là Công ty Tân Hiệp Phát với quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế tuần hoàn với mô hình 3R (Reducing waste - Giảm thiểu chất thải, Reusing - Tái sử dụng, Recycling - Tái chế) từ năm 2013 đến nay. Mô hình này vừa mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp chung vào sự phát triển của cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững.
Mười năm trước, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ Aseptic của Đức, Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện, nước sử dụng.
Năm năm sau, Tân Hiệp Phát đã tiếp tục giảm trọng lượng chai xuống phân nửa, cùng với đó là lượng rác thải nhựa giảm 34.000 tấn. Trong bốn năm tiếp theo tính đến năm 2023 mức giảm là 44.000 tấn, như vậy tổng cộng 78.000 tấn rác thải nhựa đã được loại bỏ trong khoảng thời gian chín năm này. Các biện pháp quan trọng khác trong mô hình 3R tại Tân Hiệp Phát cho đến nay bao gồm tái chế và tái sử dụng màng co và túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi và nắp, loại bỏ việc sử dụng hộp các tông thay thế chúng bằng màng co làm từ nhựa tái chế…
Năm 2021, trong bối cảnh Covid 19 diễn biến phức tạp, với sự hỗ trợ của nhà cung cấp và các chuyên gia, Tân Hiệp Phát đã nỗ lực lắp đặt và đưa vào vận hành dây chuyền tái chế nhựa. Trọng tâm của khả năng tái chế này là sản xuất hạt nhựa HDPE tái chế và pallet nhựa từ phế liệu nhựa để Tân Hiệp Phát có thể sử dụng và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị khác những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế.
Cận cảnh dây chuyền tái chế nhựa tại Tân Hiệp Phát
Với những nỗ lực bền bỉ, Tân Hiệp Phát đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ về lợi ích kinh tế dài hạn khi giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào thông qua việc làm giảm trọng lượng mỗi chai nhựa và giảm chi phí điện, nước…
Ông David Riddle cho rằng: "Kinh tế tuần hoàn là cần thiết và có ý nghĩa, đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia thật sự. Chúng ta cần hành lang pháp lý thật mạnh mẽ, quy định trách nhiệm cụ thể được xác định cho nhà sản xuất và nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí quản lý chất thải cho các sản phẩm thải bỏ".
Có ít nhất 310.000 tấn rác thải nhựa bị thải ra biển và đường thủy của Việt Nam mỗi năm. Hầu hết nhựa gây ô nhiễm đường thủy của chúng ta là đồ dùng một lần, các mặt hàng có giá trị thấp túi nhựa, hộp đựng thức ăn và ống hút.
"Việt Nam nổi tiếng với những bãi biển đẹp, để bảo tồn viên ngọc du lịch ấy cần phải hành động ngay, hạn chế hết mức có thể nhựa sử dụng một lần. Tân Hiệp Phát sẵn sàng hợp tác để giải quyết những thách thức phía trước và làm mọi điều khả thi để vươn tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững", đại diện Tân Hiệp Phát khẳng định.
Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp Việt được hoạt động và phát triển dựa trên một trong những giá trị cốt lõi "có trách nhiệm với cộng đồng vã xã hội" ngay từ ngày đầu tiên thành lập. Theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ để mang lại những lợi ích trực tiếp và bền vững về kinh doanh mà còn thể hiện kết doanh nghiệp luôn đặt trách nhiệm với cộng đồng lên hàng đầu vì sự phồn vinh của xã hội.
PVĐại hội Sales và Marketing toàn quốc VSMCamp và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing CSMOSummit năm 2024 đã khép lại sau hai ngày tổ chức với gần 50 bài tham luận và phiên tham luận lớn nhỏ. Sự kiện tiếp tục ghi dấu một mùa thành công khi đã thu hút gần 1000 lượt người tham dự, cùng hàng trăm tin tức được đăng tải trên các phương tiện truyền thông.