Chuyển đổi số: Bước đi mạnh mẽ trong kinh doanh, dịch vụ khách hàng của PC Đà Nẵng
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của mọi doanh nghiệp. Thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Đà Nẵng chú trọng thực hiện chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất lao động và phục vụ khách hàng...
Bàn về công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp, PV Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã có cuộc phỏng vấn với ông Bùi Đỗ Quốc Huy - Phó Giám đốc PC Đà Nẵng về việc hướng đến mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mang đến nhiều tiện ích, tăng khả năng tương tác, đưa ngành điện đến gần hơn với khách hàng.
PV: Ông có thể chia sẻ đôi nét về chuyển đổi số của đơn vị để có được kết quả như ngày hôm nay?
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điện, PC Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, mang nhiều thuận tiện, tiện ích hiện đại đến với khách hàng. Kênh thanh toán tiền điện trực tuyến cũng được ra đời để hỗ trợ khách hàng chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp tại các ngân hàng, điểm thu hay các tổ chức trung gian thu hộ.
Ứng dụng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, xuyên suốt các quá trình từ lúc đăng ký dịch vụ điện, cấp điện, kí kết hợp đồng điện của khách hàng đều được vận hành trên "môi trường số" giúp hồ sơ được luân chuyển nhanh hơn, khách hàng ít di chuyển hơn, mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ xử lý trên mạng theo phương thức điện tử của PC Đà Nẵng đạt 100%.
Khi cung cấp dịch vụ cấp điện tại hiện trường, công ty áp dụng các ứng dụng hiện có để thu thập thông tin giúp giảm các công việc làm thủ công, rút ngắn thời gian cấp điện cho khách hàng. Nhờ đó, thời gian trung bình thực hiện cấp điện cho khách hàng đăng kí mới tại PC Đà Nẵng đạt 1,08 ngày/khách hàng.
Khách hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện đang được "hưởng lợi" từ nhiều chương trình, tiện ích mà quá trình chuyển đổi số mang lại. Thông qua hệ thống thông báo tập trung EVNCPC, App CSKH, Zalo hay email đã giúp khách hàng nhận thông tin đầy đủ hơn qua các kênh đã đăng ký. Công ty cũng đã phối hợp với Trung tâm thông tin dịch vụ công 1022 tích hợp kênh thông tin ngành điện trên App Danang Smart City giúp khách hàng có thêm tiện ích khi sử dụng điện trên hệ sinh thái số của thành phố.
Đặc biệt, thời gian qua công ty đã sử dụng hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu để xây dựng công cụ cảnh báo sản lượng điện bất thường, chương trình cảnh báo mất điện hạ áp, chương trình cảnh báo điện áp thấp, tra cứu chỉ số điện hàng ngày, hệ thống kiểm soát quá trình ghi chữ số, hoá đơn…
PV: Trong lộ trình thực hiện chuyển đổi số thì những nhiệm vụ nào được doanh nghiệp chú trọng để số hóa?
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Năm 2022, PC Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, làm nền tảng để phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số trong các năm tiếp theo.
Công ty đã tập trung các nguồn lực thực hiện số hóa và tự động hóa, mang lại nguồn dữ liệu lớn như: dữ liệu chỉ số công tơ điện tử thu thập qua hệ thống đo đếm từ xa; dữ liệu vận hành và trạng thái của các thiết bị điện tại trạm biến áp 110kV được điều khiển và thu thập qua hệ thống SCADA; dữ liệu lưới điện được thu thập, lưu trữ trên chương trình PMIS và hệ thống thông tin địa lý – GIS, …
Để khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này, công ty tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data),…
PV: Khách hàng được hưởng lợi gì từ chương trình, tiện ích mà quá trình chuyển đổi số của PC Đà Nẵng mang lại?
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: PC Đà Nẵng đã triển khai nhiều mục tiêu chuyển đổi số, qua đó rút ngắn thời gian giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ điện, đem đến sự hài lòng cho khách hàng.
Để sử dụng các dịch vụ điện một cách dễ dàng, thuân lợi mà không tốn nhiều thời gian di chuyển, khách hàng có thể đăng ký trực tuyến trên cổng Dịch vụ công quốc gia và website EVNCPC CSKH (https://cskh.cpc.vn/). Sau khi khách hàng đăng ký, hồ sơ sẽ được luân chuyển, xử lý trên các chương trình và điện lực sẽ ký hợp đồng với khách hàng bằng phương thức điện tử rất thuận tiện. Như vậy, toàn bộ các bước từ lúc khách hàng đăng ký dịch vụ đến khi ký hợp đồng được kí kết đều thực hiện trên "môi trường số".
Đối với công tác cấp điện tại hiện trường, từ năm 2020, PC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường. Nghĩa là, từ thông tin khách hàng cung cấp, dựa trên dữ liệu sẵn có trên các chương trình, nhân viên điện lực sẽ nhanh chóng lập phương án cấp điện, dự toán vật tư và tiến hành thi công mà không cần đến hiện trường. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện "trọn gói" trên môi trường internet, rút ngắn thời gian cấp điện xuống còn hơn một ngày so với quy trình trước đó.
Ngoài ra, với tiện ích cảnh báo sản lượng điện bất thường đã giúp các điện lực nhanh chóng phát hiện ra điểm bất thường trong sử dụng điện từ đó cảnh báo khách hàng có nguy cơ chạm chập, rò rỉ điện xử lý kịp thời. Trong giai đoạn 2021-2022, công ty đã phát hiện 265 trường hợp rò rỉ điện sau công tơ qua chương trình Cảnh báo sản lượng điện bất thường để kịp thời cảnh báo cho khách hàng. Riêng trong các tháng đầu năm 2023, công ty đã phát hiện được 19 vụ chạm chập điện sau công tơ khách hàng.
PV: Công ty có những dự kiến gì trong giai đoạn tới để đảm bảo quá trình thực hiện chuyển đổi số diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả?
Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Chuyển đổi số là bước đi "dài hơi" của PC Đà Nẵng vì mục tiêu nâng cao chất lượng và dịch vụ điện lực, đáp lại sự kỳ vọng của khách hàng sử dụng điện. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục bám sát định hướng, kế hoạch và các nhiệm vụ chuyển đổi số để khai thác hiệu quả các sản phẩm số. Bám sát lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2022, tính đến 2025 với nhiều hợp phần nhằm đảm bảo quá trình thực hiện diễn ra đúng tiến độ, đạt hiệu quả.
Riêng trong năm 2023, công ty sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các tiện ích của dịch vụ điện trực tuyến, hình thành thói quen cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện. Công ty sẽ tiếp tục triển khai gửi thông báo dịch vụ điện đến khách hàng qua các kênh mạng xã hội Zalo, App, Email nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin đến với khách hàng.
Ngành điện thành phố cũng sẽ tiếp tục phát triển hệ thống thông tin địa lý GIS, hoàn thiện bản đồ lưới điện số, đẩy mạnh khai thác cơ sở dữ liệu lưới điện không gian… phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện. Đồng thời, xây dựng kho dữ liệu lớn, tăng cường phân tích dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán hành vi sử dụng điện… nâng cao hiệu quả công tác KD&DVKH, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguyễn TuấnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.