Chuyển đổi số - Bước đi mạnh mẽ trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng của PC Đà Nẵng

Doanh nghiệp
09:30 AM 19/06/2023

Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu của mọi doanh nghiệp. Thời gian qua, Công ty Điện lực (PC) Đà Nẵng chú trọng thực hiện chuyển đổi số, góp phần tăng năng suất lao động. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị, ông Bùi Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc PC Đà Nẵng chia sẻ về công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp.

PV: PC Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan trong quá trình chuyển đổi số, từ lĩnh vực quản lý nội bộ đến tự động hóa lưới điện, dịch vụ điện lực… Ông có thể cho biết đôi nét về chuyển đổi số của đơn vị?

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Lấy sự hài lòng của khách hàng làm mục tiêu không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ - Đó cũng là một trong những nội dung chuyển đổi số mà PC Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh trong thời gian qua.

Chuyển đổi số - Bước đi mạnh mẽ trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng của PC Đà Nẵng - Ảnh 1.

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy – Phó Giám đốc PC Đà Nẵng

Đầu tiên chuyển đổi hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử. Kênh thanh toán tiền điện trực tuyến cũng được ra đời để hỗ trợ khách hàng chủ động lựa chọn hình thức thanh toán phù hợp tại các ngân hàng, điểm thu hay các tổ chức trung gian thu hộ.

Ứng dụng công nghệ để thực hiện chuyển đổi số, xuyên suốt các quá trình từ lúc đăng ký dịch vụ điện, cấp điện, kí kết hợp đồng điện của khách hàng đều được vận hành trên "Môi trường số". Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ xử lý trên mạng theo phương thức điện tử của PC Đà Nẵng đạt 100%. Còn thời gian trung bình thực hiện cấp điện cho khách hàng đăng kí mới tại PC Đà Nẵng đạt 1,08 ngày/ khách hàng…

Đặc biệt, thời gian qua công ty đã sử dụng hạ tầng, nền tảng và cơ sở dữ liệu để xây dựng công cụ cảnh báo sản lượng điện bất thường, chương trình cảnh báo mất điện hạ áp, chương trình cảnh báo điện áp thấp, tra cứu chỉ số điện hàng ngày, hệ thống kiểm soát quá trình ghi chữ số, hoá đơn…

PV: Còn lộ trình thực hiện chuyển đổi số thì sao?

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Năm 2022, PC Đà Nẵng đã tập trung các nguồn lực thực hiện số hóa và tự động hóa, mang lại nguồn dữ liệu lớn như: dữ liệu chỉ số công tơ điện tử thu thập qua hệ thống đo đếm từ xa; dữ liệu vận hành và trạng thái của các thiết bị điện tại trạm biến áp 110kV được điều khiển và thu thập qua hệ thống SCADA; dữ liệu lưới điện được thu thập, lưu trữ trên chương trình PMIS và hệ thống thông tin địa lý – GIS…

Để khai thác hiệu quả nguồn dữ liệu này, công ty tập trung nghiên cứu các công nghệ lõi, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data)…

PV: Người dân, khách hàng được hưởng lợi ra sao từ quá trình chuyển đổi số của PC Đà Nẵng đã mang lại?

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Việc chuyển đổi số giúp rút ngắn thời gian giao dịch và nâng cao chất lượng dịch vụ điện, đem đến sự hài lòng cho khách hàng. Cụ thể, toàn bộ các bước từ lúc khách hàng đăng ký dịch vụ đến khi ký hợp đồng được kí kết đều thực hiện trên "môi trường số".

Chuyển đổi số - Bước đi mạnh mẽ trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng của PC Đà Nẵng - Ảnh 2.

Đối với công tác cấp điện tại hiện trường, từ năm 2020, PC Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc thực hiện cấp điện hạ áp không khảo sát hiện trường. Tất cả các công đoạn đều được thực hiện "trọn gói" trên môi trường internet, rút ngắn thời gian cấp điện xuống còn hơn một ngày so với quy trình trước đó.

Ngoài ra, với tiện ích cảnh báo sản lượng điện bất thường đã giúp các điện lực nhanh chóng phát hiện ra điểm bất thường trong sử dụng điện từ đó cảnh báo khách hàng có nguy cơ chạm chập, rò rỉ điện xử lý kịp thời.

PV: PC Đà Nẵng có những dự kiến gì trong giai đoạn tới để đảm bảo quá trình thực hiện chuyển đổi số diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả?

Ông Bùi Đỗ Quốc Huy: Chuyển đổi số là bước đi "dài hơi" của PC Đà Nẵng. Trong năm 2023, công ty sẽ tập trung vào hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các tiện ích của dịch vụ điện trực tuyến, hình thành thói quen cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến của ngành điện. Công ty sẽ tiếp tục triển khai gửi thông báo dịch vụ điện đến khách hàng qua các kênh mạng xã hội Zalo, App, Email nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin đến với khách hàng.

Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phát triển hệ thống thông tin địa lý GIS, hoàn thiện bản đồ lưới điện số, đẩy mạnh khai thác cơ sở dữ liệu lưới điện không gian… phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện. Đồng thời xây dựng kho dữ liệu lớn, tăng cường phân tích dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích, dự đoán hành vi sử dụng điện… nâng cao hiệu quả công tác KD&DVKH, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Tuấn
Ý kiến của bạn
Chính thức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 Chính thức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chính thức đề xuất tăng 6% mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động so với mức hiện hành. Thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới từ ngày 1/7/2024.