"Chuyển đổi số đã len lỏi vào tất cả khía cạnh cuộc sống"
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Chiều 14/6, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự, đồng chủ trì và có phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023. Diễn đàn có chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: Vừa qua, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt phụ thuộc lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân lực, nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được bước phát triển mới với nhiều thành quả.
Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện đại hội Đảng.
Thủ tướng khẳng định: Chuyển đổi số đã len lỏi vào tất cả khía cạnh cuộc sống. Khi đó, ai đi sau, không bắt kịp sẽ tụt lại phía sau, bị lạc hậu, thậm chí bị đào thải, và việc đó diễn ra cả trên môi trường thực lẫn môi trường số.
Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có quy mô, tốc độ chưa có tiền lệ, làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới, thâm dụng tri thức, đột phá sáng tạo, mở ra cơ hội cho chúng ta bắt kịp, đi cùng vượt lên trong một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới.
"Đi cùng với họ nhưng phải có đột phá vươn lên", Thủ tướng nói.
Để thực hiện điều này, cần thực hiện có hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chuyển đổi số phải mang lại kết quả thực chất, những giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm đã đề ra cho năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cùng với đó, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số; thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, chính sách xây dựng kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Triển khai tích cực, hiệu quả các nội dung của Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các đối tác quốc tế, tận dụng tối đa hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính, coi JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam; thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tiến tới giảm và cân bằng phát thải theo các cam kết của Việt Nam tại COP26, COP27.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ quan trọng là chúng ta phải xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.
Nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Việt Nam là quốc gia đã có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về đổi mới sáng tạo trong 12 năm liền và tiếp tục được WIPO coi là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, với xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.
Xây dựng và triển khai các chính sách xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ sạch, đổi mới sáng tạo nâng cao trình độ và năng lực công nghệ để sản xuất sản phẩm mới, sản phẩm chủ lực, trọng điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.
Đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. "Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng nói.
Chúng ta phải tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ, phải đa dạng hóa nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là hệ thống đường cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng điện, viễn thông...
Nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, nguồn lực bên trong gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử, nguồn lực bên ngoài gồm nguồn vốn, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.
Theo đó, cần xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng.
Tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, có đủ năng lực thực hiện một số nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt.
Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, tiếp tục thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng tự lực, tự cường dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp, các chính sách phù hợp trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng tiến bộ vượt bậc và lan tỏa nhanh chóng.
Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tích cực đồng hành và hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường tăng trưởng xanh, cùng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm mang lại hòa bình, thịnh vượng chung cho các dân tộc trên thế giới.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nêu rõ, là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng, xem chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững là những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư, như có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.
Thủ tướng đề nghị, sau Diễn đàn này, các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực, biến khát vọng thành việc làm và hành động cụ thể để tiếp tục phấn đấu và đạt được những bước tiến mới góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thanh ThủyTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.