Chuyển đổi số: Doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình rõ ràng
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có chiến lược và lộ trình rõ ràng. Cụ thể, xây dựng, gắn kết chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiết lập cơ chế quản lý, đưa ra các giải pháp, sáng kiến linh hoạt, hiệu quả.
Tại hội thảo khoa học "Chuyển đổi số trong bối cảnh bất định: Nắm bắt cơ hội – vượt qua thách thức" do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia nhìn nhận, việc thay đổi mô hình kinh doanh hay cách thức vận hành không hề đơn giản. Các số liệu thống kê cho thấy, không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà ngay cả những tập đoàn đa quốc gia cũng có thể phải trả giá đắt nếu đưa ra những quyết định sai lầm trong quá trình chuyển đổi số. Thậm chí, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp được coi là chuyển đổi số thành công ở các mức độ khác nhau.
Chia sẻ tại hội thảo của GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Chuyên gia này cho biết, mặc dù ngành chế biến, chế tạo được đánh giá là động lực phát triển của nền kinh tế nhưng tỷ lệ chuyển đổi số lại thấp. Đặc biệt, ngành dệt may và da giày ứng dụng kinh tế số rất thấp. Lĩnh vực ứng dụng cao nhất của Việt Nam đối với kinh tế số là khoa học - công nghệ, thông tin - truyền thông, sau đó mới đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thấp hơn mức trung bình chung của cả nước và cuối cùng là ngành nông - lâm - thủy sản.
Chia sẻ thêm ý kiến của GS TS. Trần Thọ Đạt, bà Nguyễn Thị Thành Thực đến từ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa và bị mất niềm tin lớn nhất là Việt Nam tuy cấp được rất nhiều chứng chỉ VietGAP, nhưng tất cả chứng chỉ được làm trên sổ tay. Thực tế, có tới 99% sổ tay nhà vườn làm để đối phó.
Để "hóa giải" thách thức, theo các chuyên gia, cần bảo đảm hạ tầng kết nối internet tốc độ cao; có cơ chế ưu đãi riêng cho nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bởi nhóm này vẫn chiếm tỷ lệ đa số trong nền kinh tế. Doanh nghiệp càng nhỏ thì càng thiếu kinh phí và ít quan tâm đến đầu tư công nghệ. Ngoài ra, kỹ năng và an toàn số là vấn đề cần được quan tâm sớm.
Theo dự thảo Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, quá trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ thực hiện 3 giai đoạn: Từ năm 2020 đến hết năm 2022 là giai đoạn tập trung đẩy nhanh số hóa các lĩnh vực, ngành công nghiệp; chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số xã hội và chuyển đổi số cơ quan nhà nước. Giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025, tập trung chuyển đổi số để nâng cao năng suất lao động, tạo ra nguồn lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong giai đoạn từ năm 2026 đến hết năm 2030, chuyển đổi số Việt Nam sẽ hướng tới phát triển một nền kinh tế số, xã hội số toàn diện.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.