Chuyển đổi số giúp ngành dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị cao hơn

Đầu tư và Tiếp thị
07:13 PM 31/01/2023

Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu hướng và là điều bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất, trong đó có ngành dệt may. Để CĐS thành công, doanh nghiệp cần chuẩn bị tinh thần cho sự thay đổi liên tục, lãnh đạo doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại; xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải CĐS để bắt nhịp xu hướng và mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh. Có thể nói, ngành dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực luôn giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế.

Chia sẻ về vấn đề CĐS trong ngành dệt may, ông Trần Văn Hợp, Giám đốc Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) cho biết, CĐS là một trong những vấn đề mà Công ty Sunrise tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với giải quyết năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản trị/vận hành… Trong đó, kỹ thuật số và tự động hóa là nền tảng chuyển đổi số, giải quyết vấn đề công nghệ và lao động cho ngành dệt may.

Chuyển đổi số giúp ngành dệt may nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại giá trị cao hơn - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Dụng cụ thể thao Sunrise (Hoằng Hóa) thực hiện quy trình cắt tự động

Công ty Sunrise đã đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống chấm công bằng vân tay hoặc thẻ; chi trả lương qua thẻ ngân hàng; cập nhật số liệu qua biểu mẫu, phần mềm; đầu tư hệ thống máy đóng túi, máy trải vải, máy cắt, máy tự động… và nhiều máy móc kỹ thuật hiện đại khác, nhằm giảm nhân công trong từng khâu, tăng năng suất lao động.

Vì thế, Công ty hiện chỉ còn 600 công nhân với 20 dây chuyền may. Nhờ từng bước CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị, công nghệ tự động hóa, đã giúp cho Công ty tiết kiệm được thời gian, chi phí nhân công, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan như hải quan, ngân hàng, điện lực… thực hiện CĐS trong các hoạt động liên quan giúp cho các quy trình sản xuất được vận hành trơn tru.

Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa xác định hoạt động liên doanh, liên kết và hợp tác, xúc tiến thương mại là yếu tố trọng tâm, then chốt, đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp làm tốt hoạt động tiếp thị, phát triển thị trường.

Mặt khác, với mục tiêu liên kết, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành may, kết nối, phát triển thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy các thành viên bắt nhịp CĐS, Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa còn làm tốt vai trò giúp các doanh nghiệp tăng cường sự tương tác, trao đổi kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất với nhau; ký kết xúc tiến thương mại với các đối tác nước ngoài; làm cầu nối để các doanh nghiệp hội viên kết nối với các đối tác trong nước và quốc tế; tổ chức cho các thành viên tham gia Hội chợ Magic Shomw 2022 tại Hoa Kỳ thành công…

Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, ngành công nghiệp dệt may Thanh Hoá trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với tổng số 286 doanh nghiệp (trong đó có 170 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa). Khoảng 75% các doanh nghiệp dệt may đã chủ động đầu tư tự động hóa các khâu sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang ứng dụng các giải pháp số hóa trong quản trị như: Sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần  mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng… Qua đó giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, CĐS là thách thức không nhỏ, nhất là với doanh nghiệp dệt may khi có tới 70% doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguồn lực để tiếp cận, triển khai và sử dụng công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế; trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp với 84,4% lao động có trình độ phổ thông, trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 3%; công tác điều hành sản xuất làm theo kinh nghiệm, ngại thay đổi; việc tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn do thiếu tài sản đảm bảo vay vốn trong khi nguồn lực đầu tư vào ứng dụng công nghệ và các thiết bị tự động hóa lại càng cao; nguồn hàng thay đổi theo mùa vụ dẫn đến phải thay đổi công nghệ và quy trình sản xuất.

Trong khi đó, ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành chịu nhiều thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do sử dụng nhiều lao động, hàng hóa chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài. 

Để hoạt động CĐS đúng hướng, phù hợp, hiệu quả, thiết nghỉ: các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu ngành, lĩnh vực như một cách tạo nguồn tài nguyên chung để các doanh nghiệp, phải có giải pháp, công cụ tìm kiếm thông tin và năng lực phân tích dữ liệu phù hợp với lĩnh vực đang hoạt động. Từ đó, đưa vận hành khai thác dữ liệu thành hoạt động tạo năng lực cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp.             

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn