Chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nền kinh tế

Diễn đàn
10:38 AM 19/05/2023

Các hội thảo trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 đã giới thiệu những giải pháp, sản phẩm tối ưu, mang đến cơ hội khám phá các mô hình chuyển đổi số đã được triển khai thực tiễn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến các Khu Công nghệ thông tin, Khu Công nghệ số...

Chiều 18/5, tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh đã diễn ra Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh và Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghệ số khu vực ĐBSCL. Các hội thảo cho thấy bức tranh tổng quan về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Xây dựng chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính nhà nước

Bà Võ Thị Mỹ Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh.

Bà Võ Thị Mỹ Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh.

Phát biểu tại Hội thảo Giải pháp Chuyển đổi số thúc đẩy chính quyền số, hành chính công và đô thị thông minh, bà Võ Thị Mỹ Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang cho biết, ngày 3/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến 2025 định hướng 2030. Ngày 2/12/2020, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. 

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào vận hành hiệu quả các nền tảng dùng chung thiết yếu. Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Ứng dụng di động Hậu Giang (Hau Giang app). Qua đây, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý điều hành của 3 cấp chính quyền. Tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, cũng như giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền. Góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng mức độ hài lòng của người dân với chính quyền.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với nền tảng công nghệ số, khái niệm về chính quyền số, đô thị thông minh ngày càng phổ biến, tất cả hoạt động của cơ quan, các cấp đều ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp tương tác kết nối chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với nhau, nhà nước và doanh nghiệp… 

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang mong rằng, các đại biểu tham gia hội thảo nhiệt tình trao đổi, chia sẻ để tìm ra những giải pháp phù hợp thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Mô hình chính quyền số của VNPT trưng bày tại Tuần lễ chuyển đổi số.

Mô hình chính quyền số của VNPT trưng bày tại Tuần lễ chuyển đổi số.

Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế trên thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Tuy có bước thụt lùi so với năm 2020, 2021, nhưng nhìn chung, thứ hạng của nước ta đã có sự tăng trưởng tích cực kể từ lần đầu tiên được đánh giá vào năm 2007. Chỉ số đổi mới sáng tạo phản ánh năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia và có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển của nền kinh tế. 

Những quốc gia có chỉ số đổi mới sáng tạo cao thường có nền kinh tế phát triển và thu nhập bình quân đầu người cao. Trong đó, Việt Nam nổi bật lên là quốc gia thuộc nhóm có thu nhập thấp, nhưng đạt chỉ số sáng tạo tương đối cao, cho thấy tiềm năng tăng trưởng khá lớn.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và đứng thứ tư về tổng giá trị đầu tư. Năm 2022, các doanh nghiệp khởi nghiệp của nước ta đã thu hút được 634 triệu USD vốn đầu tư. Với việc triển khai Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và các chương trình, nghị quyết khác, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang phát triển mạnh mẽ. 

Nước ta đã hình thành được các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam, để kết nối các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Mạng lưới các hội tri thức, mạng lưới truyền thông hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai ngày càng rộng khắp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hình thành sáng kiến, mở đầu quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tiên phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là nhân tố quan trọng để thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Trung ương đã ban hành có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cụ thể là việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 844, ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (có sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 844/QĐ-TTg tại Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021). 

Hậu Giang đã tích cực triển khai thực hiện và đã ban hành các văn bản để cụ thể hóa nội dung, mục tiêu thực hiện. Qua đó, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại địa phương cơ quan đã được hình thành, phát triển. Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ được hình thành, các mô hình kinh doanh mới, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp bước đầu được hình thành, từng bước đi vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang thông tin thêm, chỉ số cải cách hành chính, cải thiện đầu tư tăng qua hàng năm. Năm 2022 chỉ số CCHC (Parindex) tăng 7 bậc xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 26 bậc xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Triển khai chính quyền điện tử, kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, quốc phòng giữ vững, an ninh trật tự được đảm bảo, công tác an sinh xã hội được quan tâm. 

Các em học sinh trải nghiệm ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

Các em học sinh trải nghiệm ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục.

Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư. Qua đó, uy tín, hình ảnh của Hậu Giang được nâng lên, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho sự phát triển và bền vững của tỉnh Hậu Giang. Riêng trong quý I năm 2023, kinh tế tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng là 12,67%, đây là lần đầu tiên tăng trưởng quý đạt mức cao nhất cả nước.

Ông Trương Cảnh Tuyên mong muốn, thông qua hội thảo lần này cũng sẽ là cơ hội để Hậu Giang gửi thông điệp "Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng" đến các tổ chức, cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện tại Hậu Giang - một vùng đất giàu tiềm năng, nhiều cơ hội, hội tụ các điều kiện thuận lợi để đầu tư. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang mong rằng, trong thời gian tới, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thực sự có sự phát triển khởi sắc, vượt bậc, xứng đáng với những tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư đầu tư vào khu công nghệ số

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có 7 Khu CNTT đã thành lập, thành công nhất là Công viên Phần mềm Quang Trung, sau đó là Công viên Phần mềm Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung Cầu Giấy, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng; Khu phức hợp Văn phòng FPT. Ngoài ra, 2 khu đã thành lập nhưng chưa hoạt động là Khu CNTT tập trung Cần Thơ (20ha), kỳ vọng là kết nối và khởi đầu của khu vực ĐBSCL nhưng không thực hiện được; Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (43ha), 2 khu này đều vướng vấn đề về đất đai, một vấn đề rất khó khăn khi đầu tư. Bên cạnh đó, có 2 khu khác đã được bổ sung quy hoạch đang trong quá trình thực hiện quy trình thủ tục thành lập với quy mô mỗi khu lên đến 200ha.

Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghệ số khu vực ĐBSCL kỳ vọng thu hút nhiều nhà đầu tư, đầu tư vào khu công nghệ số.

Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghệ số khu vực ĐBSCL kỳ vọng thu hút nhiều nhà đầu tư, đầu tư vào khu công nghệ số.

Chia sẻ tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghệ số khu vực ĐBSCL, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục phó Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, Hậu Giang còn khó khăn và việc đáp ứng các tiêu chí để thành lập Khu công nghệ số hoặc Khu Công nghệ thông tin như điều kiện kinh tế xã hội, hạ tầng, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nhưng tỉnh đã quyết tâm rất cao, rất chú trọng đến công nghệ nói chung và chuyển đổi số nói riêng, điển hình là 2 lần phối hợp cùng Hội Tin học TP Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số. 

Chính việc tìm cơ hội và tạo ra cơ hội hợp tác thông qua Tuần lễ cũng như những hoạt động phối hợp, xúc tiến khác sẽ tạo cho Hậu Giang những bước đi chắc chắn ở lĩnh vực này. 

Chuyển đổi số, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nền kinh tế.

Chuyển đổi số, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là hướng đi tất yếu của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, việc được hỗ trợ ưu đãi quá nhiều, những Khu CNTT tập trung không thu hút được nhiều loại hình doanh nghiệp như các khu công nghiệp khác, còn có sự chắc lọc cho phù hợp nên thu hút đầu tư không hề dễ dàng.

Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung chia sẻ, Hậu Giang là tỉnh giáp ranh nhiều tỉnh, thành có nhân lực trẻ, dồi dào, hệ thống cao tốc khi xây dựng xong được kỳ vọng sẽ kết nối với nhiều đô thị lớn và từ TP Hồ Chí Minh về đây sẽ không còn quá xa xôi. Tất nhiên khó khăn thì không ít, từ số 0 lên số 1 là cả một khoảng cách dài, nhưng chính sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hậu Giang sẽ là niềm tin lớn cho nhà đầu tư.

Văn Dương - Hồng Ân
Ý kiến của bạn
GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cao nhất 4 năm qua GDP quý I/2024 tăng 5,66%, cao nhất 4 năm qua

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.