Chuyển đổi số khối tài chính - ngân hàng: An toàn hay tiện lợi?
”Các tổ chức ngân hàng sẽ lựa chọn sự tiện lợi hay sự an toàn?”, đây là câu hỏi được ông Trần Quang Hưng đưa ra khi nói về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Theo ông, đôi lúc sự an toàn quá lại làm mất đi sự tiện lợi của khách hàng bởi hệ thống ứng dụng của các ngân hàng quá phức tạp.
Ngày 16/12, Hội thảo Banking Tech Việt Nam 2020 diễn ra trong khuôn khổ sự kiện “Diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense” do Tập đoàn IEC (IEC Group) và Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) phối hợp tổ chức.
Hội thảo tập trung thảo luận những xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng hiện nay, những cơ hội và thách thức trong quá trình dịch chuyển từ dịch vụ ngân hàng truyền thống sang mô hình số hóa, trong đó nhấn mạnh vào vấn đề bảo mật dữ liệu và thông tin khách hàng.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) nhận định rằng khối tài chính ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong kinh tế số - 1 trong 3 trụ cột chính của chuyển đổi số quốc gia.
Để quá trình chuyển số có thể phát triển nhanh chóng, bền vững, bắt kịp được với thế giới và có được một số thành công nhất định thì khối tài chính ngân hàng phải an toàn và bền vững.
”Các tổ chức ngân hàng sẽ lựa chọn sự tiện lợi hay sự an toàn?”, đây là câu hỏi được ông Trần Quang Hưng đưa ra khi nói về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Theo ông, đôi lúc sự an toàn quá lại làm mất đi sự tiện lợi của khách hàng khi phải sử dụng hệ thống ứng dụng của các tổ chức ngân hàng quá phức tạp.
Quá trình chuyển đổi số của mỗi cơ quan, tổ chức phải song hành với quá trình đảm bảo an toàn an ninh mạng. Bên cạnh việc phát triển hệ thống ứng dụng ngày càng tiện lợi hơn, tốt hơn, thông minh hơn thì cũng cần đảm bảo yếu tố an toàn hơn.
Trong tất cả các ngành, lĩnh vực nói chung thì tài chính ngân hàng là ngành được quan tâm nhiều nhất trong vấn đề an toàn an ninh mạng, cũng là ngành đầu tư nhiều tiền, nhiều nguồn lực và nhiều nhân sự nhất cho phần bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật hệ thống.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Hưng, việc song hành giữa 2 quá trình chuyển đổi số và đảm bảo an toàn an ninh mạng là một trong những thách thức lớn của ngành tài chính ngân hàng hiện nay.
Ông cho rằng trong thế giới số này thì không ai có thể an toàn một mình, không một ngân hàng nào có đủ đội ngũ chuyên gia, đủ về hệ thống để có thể thể tự bảo vệ trước nguy cơ tấn công. Ông kỳ vọng về việc hình thành một mạng lưới chia sẻ thông tin để khối tài chính ngân hàng có thể phối hợp, chia sẻ về các nguy cơ một cách nhanh chóng những vẫn đảm bảo được tính bảo mật dữ liệu của mỗi đơn vị.
Ở phiên báo cáo của mình, ông Đỗ Danh Thanh, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Công nghệ của PwC Consulting Việt Nam cho biết, 94% các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư vào chuyển đổi số, trong đó 40% ngân hàng đưa việc chuyển đổi số vào chương trình then chốt trong tầm nhìn 5 năm tới.
Ông Đỗ Danh Thanh đề cập tới một tập khách hàng sẽ hình thành trong tương lai là tập khách hàng số, với một trong những đặc tính là tin vào trải nghiệm của những người đi trước hơn là tin vào quảng cáo.
Ông Thanh cho biết, khi tập khách hàng này hiện hữu trong tương lai gần thì hệ thống ngân hàng buộc phải chuyển đổi để phù hợp với kỳ vọng của họ, chuyển trọng tâm từ sản phẩm sang khách hàng và tập trung nhiều vào vấn đề trải nghiệm.
Ông cho rằng trong hiện tại thì các ngân hàng đang phụ thuộc nhiều vào công nghệ thông tin nên chú trọng đề cao vai trò của các CIO (Giám đốc công nghệ thông tin). Nhưng trong tương lai thì CXO (Giám đốc trải nghiệm) sẽ soán ngôi cao khi họ mới là người nắm bắt và đánh giá được trải nghiệm của khách hàng.
Ở phiên tọa đàm, chia sẻ về những vướng mắc của các ngân hàng Việt Nam khi triển khai quá trình điện toán đám mây, đại diện của Techcombank và Vietcombank đều cho rằng vướng mắc chung mà 2 ngân hàng này đang gặp phải là vấn đề phân loại dữ liệu khách hàng, cụ thể là phân loại dữ liệu cần bảo mật và dữ liệu được phép công khai.
Về vấn đề bảo mật hệ thống, đại diện VPS cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà các tổ chức tài chính ngân hàng trên thế giới cũng mong muốn tạo được sự cân đối, hài hòa nhất giữa tính tiện dụng và tính bảo mật. Khi hệ thống của doanh nghiệp được dựng thêm 1 lớp hàng rào bảo mật sẽ gây ra ảnh hưởng nhất định tới người dùng như là hệ thống chậm hơn hoặc phức tạp hơn.
Đối với chứng khoán, các giao dịch nếu khớp lệnh chậm 1 giây cũng có thể thiệt hại đến vài tỷ đồng, nên tốc độ thực hiện một lệnh của khách hàng là rất quan trọng. Theo đại diện của VPS thì điểm mấu chốt giữa tính bảo mật và tính tiện dụng là khẩu vị rủi ro của mỗi doanh nghiệp.
Hải ĐườngMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.