Chuyển đổi số ngành gỗ còn thiếu bài bản, tự phát

Diễn đàn
12:13 PM 22/12/2021

Ngành gỗ đã có những bứt phá trong bối cảnh khó khăn chung do dịch COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, đại dịch trên thế giới đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, tạo áp lực, thách thức buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và cải tiến ở tất cả các khâu từ thiết kế, sản xuất đến thương mại, trong đó số hóa là yếu tố then chốt...

Áp lực trong chuyển đổi số

Trong Báo cáo đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành chế biến gỗ do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) phối hợp với Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện, gần 58% người xác nhận công ty họ có chiến lược số, gần 80% người cho biết chuyển đổi số là cốt lõi trong việc triển khai kinh doanh chiến lược của họ trong tương lai, gần 70% người xác nhận nhóm lãnh đạo của họ có kỹ năng cần thiết để thực hiện chuyển đổi số. Có 71% người đã sử dụng thương mại điện tử và thanh toán số, gần 12% sử dụng Internet vạn vật dưới một số hình thức.

Tình hình tài chính và chiến lược của doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc xác định mục tiêu cho chiến lược chuyển đổi số.

Nhiều doanh nghiệp gỗ đã tìm đến chuyển đổi số để phục hồi sản xuất nhưng đây chỉ là tự phát, thiếu bài bản. Ảnh: Báo Nông Nghiệp

Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp ngành gỗ được đánh giá là nhóm có sự nỗ lực rất lớn trong tìm phương án chuyển đổi số, vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch cũng như tương tác với khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, việc này vẫn mang tính tự phát, chưa bài bản và mới nằm ở các doanh nghiệp có tính tích cực cao, chưa phải là sự lan tỏa đồng đều đến các doanh nghiệp ngành gỗ.

Nhìn chung, nhiều doanh nghiệp còn dè dặt trong việc chuyển đổi số. Có ý kiến cho rằng, nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số là một trong những nguyên nhân mấu chốt dẫn tới thất bại của quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp nghi ngại chuyển đổi số vì áp lực chi phí lớn, chưa biết bắt đầu từ đâu, đâu là giải pháp doanh nghiệp có thể bắt tay vào làm ngay, giải pháp tiên quyết trong trung và dài hạn là gì? Thái độ và sự không sẵn sàng thay đổi là những thách thức lớn cần vượt qua khi doanh nghiệp chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu khảo sát nhu cầu thực tiễn và thấy rằng hiện nay đang có 4 thách thức chính trong chuyển đổi số của doanh nghiệp gỗ.

Thứ nhất, doanh nghiệp có khoảng cách về năng lực triển khai chuyển đổi số.

Thứ hai, khoảng cách thị trường, thông tin về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Thứ ba, khoảng cách về tài chính triển khai các giải pháp chuyển đổi số.

Thứ tư, khoảng cách về thể chế, chính sách.

Tìm phương án để chuyển đổi số thành công

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Nguyễn Hoài Bảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific cho biết, dịch COVID-19 là động lực và bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Sản xuất gỗ có không ít thử thách về công nghệ, nguyên vật liệu không nhiều đòi hỏi kiểm soát đồng bộ hóa cao. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp kiểm soát sự đồng bộ nhanh chóng, chính xác nhất đồng thời kiểm soát chi phí trong sản xuất.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số, ông Nguyễn Trọng Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, chuyển đổi số còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp. Qua bản đánh giá sẽ giúp doanh nghiệp đang ở đâu và cần làm gì trước, làm gì sau để tránh “lạc đường”.

Chuyển đổi số ngành gỗ còn thiếu bài bản, tự phát - Ảnh 2.

Ngành gỗ được đánh giá là ngành tích cực trong tìm phương án chuyển đổi số.

Ông Amit Sharma, Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu mức độ sẵn sàng chuyển đổi số ngành gỗ Việt Nam, chuyên gia tại Singapore cho hay, trong tự động hóa, nếu nhìn vào nâng cao hiệu suất nội bộ, sử dụng dữ liệu trong quá trình sản xuất có thể biết nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu các kênh bán hàng trên kênh online hay vật lý… Dựa trên vấn đề đó, doanh nghiệp có thể quyết định xem đủ nguồn nhân lực, khả năng giao hàng, vận chuyển… Qua quan sát toàn bộ chuỗi cung ứng sẽ phát hiện sự khác biệt ở quy trình và xem có thể sử dụng công cụ nào để lấp đầy khoảng trống.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyển đổi số bao hàm nhiều nội dung, hành động nhỏ cụ thể. Qua đánh giá có thể thấy, mỗi doanh nghiệp đang ở mỗi nấc khác nhau. Từ câu chuyện hiểu biết chiến lược, bố cục quản trị công ty cho tới những phương thức truyền thống đang làm trong chuỗi cung ứng và khách hàng thế nào. Do đó, mỗi doanh nghiệp tự xem mình đang ở đâu trong tiến trình chuyển đổi số để đưa ra quyết định hành động và đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp đã có những mô hình chuyển đổi số mang lại hiệu quả thời gian vừa qua. Hi vọng, những mô hình như vậy được các hiệp hội trong ngành gỗ nhân rộng, lan tỏa để các doanh nghiệp được trải nghiệm rồi ra quyết định đầu tư và chuyển đổi cho doanh nghiệp mình.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, thời gian tới Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức trên diện rộng để đưa chương trình chuyển đổi số thành hiện thực và nâng cao vị thế của doanh nghiệp ngành gỗ Việt dựa trên nền công nghệ.

An Mai
Ý kiến của bạn