‘Chuyển đổi số nhanh ngày nào, có lợi cho doanh nghiệp ngày đó’
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 với chủ đề “Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam”, khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia, thực hiện chuyển đổi số để Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới.
Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - Vietnam International Travel Mart (VITM) là Hội chợ Quốc tế hàng đầu và duy nhất của Việt Nam, được Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức thường niên vào tháng 4. Được bảo trợ bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tiếp nối thành công của chương trình cuối cùng vào năm 2019 với hơn 85.000 khách tham quan, 502 gian hàng và 720 nhà triển lãm từ 27 quốc gia & vùng lãnh thổ, VITM Hà Nội 2020 đã chính thức khởi động. Du lịch vốn là ngành nhạy cảm với tình trạng thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh trên thế giới. Dịch bệnh Covid-19 không chỉ gây thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.
Tại Việt Nam, du lịch ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019, đầu tháng 1 năm 2020 thì ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh Covid 19. Ước tính thiệt hại đối với ngành Du lịch là hàng chục tỷ USD.
Các doanh nghiệp du lịch phải gồng mình vừa phòng chống dịch vừa giải quyết tồn tại của doanh nghiệp, của đội ngũ lao động trong doanh nghiệp. Nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành "sa mạc" dịch bệnh theo dự báo có thể còn kéo dài. Đây là cuộc "khủng hoảng" lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành.
Phát biểu trong cuộc họp báo Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Vũ Thế Bình cho hay với chủ đề "Chuyển đổi số để phát triển Du lịch Việt Nam", BTC khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức tham gia hội chợ đưa ra các sáng kiến trong quá trình quản lý, kinh doanh và hoạt động du lịch gắn kết với thực hiện chuyển đổi số để Du lịch Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các năm tới.
"Năm nay lấy chủ đề chuyển đổi số để phát triển doanh nghiệp, khi đưa ra chủ đề này nhiều doanh nghiệp đã phản hồi rằng họ chưa hiểu rõ vấn đề. Họ đặt câu hỏi rằng tại sao đầu năm là di sản bây giờ lại chuyển đổi số, thật ra di sản hôm nay chưa bàn thì ngày mai chúng ta có thể bàn vì nó vẫn còn nguyên giá trị, nhưng chuyển đổi số chậm ngày nào thì thiệt hại về nền kinh tế lớn ngày đó.
Khi dịch Covid-19 lắng dần, du lịch chắc chắn sẽ phát triển trở lại, lúc đó đòi hỏi các doanh nghiệp đã sẵn sàng trở lại để cạnh tranh và vào guồng. Chuyển đổi số nhanh ngày nào, có lợi cho doanh nghiệp ngày đó", ông Bình cho biết.
Quy mô Hội chợ VITM Hà Nội 2020 có đến 250 gian hàng tham gia. Tính đến 30/10/2020, Hội chợ lần này có sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý, xúc tiến du lịch từ 47 tỉnh thành trong cả nước. Hiện tại đã có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đăng ký tham gia Hội chợ, đặc biệt lần đầu tiên có sự xuất hiện gian hàng của Du lịch Colombia.
So với mọi năm quy mô năm nay của hội chợ nhỏ hơn nhiều, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia nhưng không thể tham gia được vì họ không còn đủ nguồn lực và nhân lực, đây là điều rất đáng tiếc. Về phần quốc tế, chúng ta hiện đang đóng của biên giới vì vậy không thể thu hút được du khách quốc tế, tuy nhiên vẫn có đến 6 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Hội chợ gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Peru và Comlombia", ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho hay việc doanh nghiệp tổ chức các tour giảm giá ở trong nước chính là trọng tâm của VITM từ trước đến nay. "Bản thân hội chợ đã triển trai gói kích cầu doanh nghiệp lớn nhất, tất cả doanh nghiệp đến đây đều mang những sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhất cho du khách.
Vừa qua chúng ta kích cầu sau dịch Covid-19 là những gói "siêu giảm giá", nhưng dần dần chúng ta phải để cho du khách quen dần với việc trở lại trạng thái thông thường, chúng ta không thể cứ khuyến khích mãi giảm giá vô điều kiện, như vậy thì làm sao đất nước phát triển được. Chúng ta có giảm giá, nhưng một cách hợp lý", ông Vũ Đức Bình cho hay.
Trong điều kiện Việt Nam đã cơ bản đã khống chế được dịch bệnh nhưng diễn biến dịch trên thế giới còn khá phức tạp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để khắc phục nhanh nhất hậu quả của dịch bệnh.
"Đặc biệt dịch Covid 19 cho chúng ta thấy phải thay đổi về phương thức quản lý, điều hành và tổ chức hoạt động của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch. Đó là hướng đi cơ bản cho du lịch Việt Nam nhanh chóng chuyển du lịch thành một ngành kinh tế ố và góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển trở lại trong những năm tới", ông Bình nhận định.
VITM là một trong những sự kiện du lịch lớn của Việt Nam, diễn ra thường niên. Sự kiện được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng do dịch Covid-19 nên năm nay Hiệp hội quyết định chuyển lịch tổ chức VITM Hà Nội 2020 từ tháng 4 sang tháng 8. Tuy nhiên, khi làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp tục hoãn sự kiện này để bảo đảm phòng, chống dịch an toàn.
Năm 2019, VITM Hà Nội thu hút hơn 90.000 lượt khách tham quan, 720 đơn vị tham gia triển lãm và 502 gian hàng của các doanh nghiệp từ 47 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đã có khoảng 29.300 khách đăng ký mua tour du lịch nội địa và quốc tế tại hội chợ với tổng doanh thu ước đạt 322 tỷ đồng.
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.