Chuyển đổi số trong bất động sản là cả hành trình dài

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:44 AM 26/12/2020

Trong thời kỳ "bình thường mới" như hiện nay, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ với nhiều doanh nghiệp. Đối với tất cả các lĩnh vực kinh doanh nói chung và bất động sản nói riêng việc chuyển đổi này là điều tất yếu, tuy nhiên đó sẽ là cả hành trình dài.

Chuyển đổi số là tất yếu...

Các nhà chuyên môn đánh giá, chuyển đổi số trong bất động sản đã trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp khi cung cấp các nền tảng bán hàng trực tuyến, giúp kết nối người mua và người bán mà không cần gặp mặt trực tiếp. Thay đổi để thích ứng là điều "sống còn" của các doanh nghiệp vào thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Cách đây không lâu, ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Cấp cao Tập đoàn Đất Xanh từng nhận xét, xu hướng chuyển đổi số trong ngành dịch vụ bất động sản là tất yếu. Nhưng việc này đã diễn ra trong suốt 1-2 năm trước chứ không phải bây giờ mới xuất hiện. Dịch Covid-19 không khiến các lĩnh vực tiến đến chuyển đổi số mà nó chỉ giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.

Có thể lấy thương mại điện tử làm ví dụ. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đã được dịch bệnh đẩy nhanh lên gấp 2-3 lần trong năm nay. Và lĩnh vực bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng này. 

Bất động sản chuyển đổi số: Tất yếu nhưng cần quá trình dài - Ảnh 1.

Chuyển đổi số trong bất động sản là tất yếu. Ảnh: Internet.

Phân tích lợi ích của chuyển đổi số, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho biết chuyển đổi số trong ngành bất động sản đem đến nhiều tiện ích cho cả người mua lẫn các nhà phát triển dự án.

Ngay ở giai đoạn tìm hiểu thông tin, người mua có thể sử dụng các trang web, các ứng dụng để tra cứu thông tin về dự án và chủ đầu tư. Điều này góp phần làm giảm chi phí giao dịch, quản lý và làm tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, hợp tác, kết nối.

Cụ thể, ông Lực chỉ ra rằng lợi ích của việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp bất động sản như giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80% theo Mckinsey & Co); tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác…; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như proptech, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, phân tích dữ liệu, thành phố thông minh, Fintech trong bất động sản…).

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn, khi các dữ liệu thông tin về thị trường được đưa lên nền tảng số. Đây cũng là cơ hội để ra được những quyết định đột phá dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn.

... Nhưng sẽ là cả một hành trình dài

Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản còn gặp nhiều thách thức. Thực tế, tốc độ chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản tương đối chậm bởi việc này buộc doanh nghiệp phải thay đổi mô hình tổ chức, quản trị và cả văn hóa kinh doanh. Điều này cần một quá trình dài để doanh nghiệp thích nghi, chuyển đổi.

Một trong những thách thức được nhiều chuyên gia chỉ ra là thói quen mua - bán bất động sản. Trước hết, ở thói quen "mua", khách hàng thường có xu hướng muốn "xem, nhìn, sờ" tận mắt, tận nơi bất động sản rồi mới ra quyết định "xuống tiền" hay không. Họ vẫn không thích chỉ xem xét các sản phẩm trên sàn điện tử bởi họ tin rằng, việc này tồn tại nhiều rủi ro và đôi khi không thực tế.

Đối với thói quen "bán", các doanh nghiệp bất động sản một phần cũng dựa theo thói quen mua của khách hàng mà "từ chối" thay đổi tư duy và sử dụng phần mềm công nghệ, các doanh nghiệp vẫn chủ yếu dùng phương pháp quản lý thủ công "cho tiện". Do đó, thuyết phục chủ doanh nghiệp về hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và bán hàng gặp khá nhiều khó khăn và thời gian.

Ngay chính trên các sàn giao dịch bất động sản, phần lớn các sàn hiện nay đều có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính còn nhiều hạn chế. Do đó, các công ty này vẫn chủ yếu dùng phương pháp quản lý thủ công thay vì áp dụng công nghệ.

Để giải quyết vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất các nhà kinh doanh bất động sản hợp tác nên với nhau để cùng chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí.

Theo đó, công ty công nghệ cần làm việc sâu hơn với doanh nghiệp bất động sản để hiểu rõ quy trình hoạt động của họ, từ đó, mới có thể xây dựng được những sản phẩm, phần mềm quản lý phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Các công ty công nghệ cũng cần hợp tác để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc ứng dụng triển khai chuyển đổi số.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do hình thành nhiều công ty dịch vụ trung gian nên sự cạnh tranh giữa doanh nghiệp sẽ tinh vi và khốc liệt hơn. Rào cản lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là nguồn nhân lực có nền tảng về công nghệ đang tương đối thấp, nếu giải quyết được bài toán này thì doanh nghiệp mới có thể tăng lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, câu chuyện cắt giảm nhân sự song hành cùng chuyển đổi số gần như là điều không tránh khỏi và đây là việc không hề dễ dàng.

Quá trình chuyển đổi số là cả một hành trình dài và không thuần túy chỉ là việc chuyển đổi về mặt công nghệ mà là quá trình chuyển đổi không thể tách rời của 3 yếu tố: chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi công nghệ và chuyển đổi về con người.

Nhung Trương
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.