Chuyển đổi số trong bất động sản: Tăng tốc hay tụt hậu?
Chuyển đổi số đang là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia và bất động sản cũng nằm trong các ngành cần ưu tiên chuyển đổi. Nhận thức được điều đó các doanh nghiệp bất động sản muốn tồn tại không thể đứng ngoài cuộc mà cần tăng tốc trong việc chuyển đổi số để phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Chuyển đổi số - yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững
Đại dịch COVID-19 đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản lao đao. Tuy nhiên theo các chuyên gia, xét ở một góc độ tích cực dịch bệnh COVID-19 lại đang thúc đẩy sự tái phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ và quy trình làm việc theo hướng mọi thứ chuyển sang mô hình online và công nghệ hóa, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số mạnh mẽ. Hiện nay, mức độ thành công của các doanh nghiệp bất động sản đang phần nào thể hiện qua tốc độ chuyển đổi số và số hóa hệ sinh thái kinh doanh.
Tuy nhiên tốc độ chuyển đổi số trong ngành bất động sản tại Việt Nam còn chậm đó là nhận định của các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc hội thảo chủ đề “Bất động sản chuyển đổi số nhanh – Kiến tạo tương lai” tổ chức ngày 12/12/2020 tại TPHCM.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, xu hướng chuyển đổi số trong ngành dịch vụ bất động sản là tất yếu. Bởi lợi ích của việc chuyển đổi số đối với doanh nghiệp bất động sản như giúp giảm chi phí giao dịch và quản lý (30-80% theo Mckinsey & Co); tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác…; tăng cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như proptech, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ, phân tích dữ liệu, thành phố thông minh, Fintech trong bất động sản…).
Ngoài ra, chuyển đổi số trong ngành bất động sản sẽ giúp các doanh nghiệp tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và trong nước... Các cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (mô hình dịch vụ số, bất động sản thông minh).
“Ngân hàng hiện nay đã bắt đầu bắt tay với công ty Fintech để tạo nên hệ sinh thái kinh doanh tiền tệ của mình thì bất động sản không còn con đường nào khác là phải tích hợp Proptech. Rào cản lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là nguồn nhân lực có nền tảng về công nghệ đang tương đối thấp, nếu giải quyết được bài toán này thì có lợi thế cạnh tranh. Thị trường hiện nay đặt dưới góc nhìn công nghệ thì không còn khái niệm “cá lớn nuốt cá bé” nữa mà là “cá nhanh ăn cá chậm”, mà muốn nhanh và đột phá chỉ có công nghệ”, ông Lực cho hay.
Theo khảo sát của hiệp hội Môi giới Bất động sản Hoa Kỳ (NAR) năm 2019, khi tìm kiếm thông tin mua bán bất động sản, 44% tìm kiếm qua các kênh trực tuyến gấp 2,5 lần so với con số 17% tiếp xúc nhận thông tin qua kênh đại lý.
Ở phía nhà phát triển dự án, nhiều chủ đầu tư đã áp dụng các công nghệ mới như BIM (Building Information Modelling), trong thiết kế - thi công, công nghệ 3D trong xây dựng. Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư đã phân loại, sắp xếp sản phẩm trong đó có việc dùng máy bay không người lái – drones để thu thập hình ảnh sống động, với các công nghệ thực tế tăng cường (augmented reality), thực tế ảo (virtual reality) người mua có thể xem bất động sản mà không chưa cần đến gặp mặt trực tiếp, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm qua các kênh quảng bá trực tuyến.
Thực tế năm 2020 một số nhà phát triển dự án bất động sản trong nước đã đẩy mạnh phát triển công nghệ bất động sản (proptech) tiêu biểu Vingroup, Cen Group, Sunshine Group và Hưng Thịnh Corporation, DKRA… trong mục tiêu đưa thị trường bất động sản minh bạch hơn về thông tin, hoạt động tiết kiệm hơn về chi phí và thời gian giao dịch.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cho biết, doanh nghiệp dù muốn hay không đều sẽ chịu tác động bởi việc chuyển đổi số mạnh mẽ trong vài năm tới. Cùng với đó mức độ cạnh tranh khốc liệt về sự đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Do đó, tạo lập hệ sinh thái được xem là nước cờ chiến lược để gia tăng lợi thế cạnh tranh, tối ưu nguồn lực và chi phí trong việc nắm giữ người dùng. Thực tế này bắt buộc các doanh nghiệp phải tạo lập mối liên kết với những hệ sinh thái sẵn có hoặc thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại để tồn tại và phát triển.
Muốn chuyển đổi số thành công, phải thay đổi từ tư duy
Ở thời đại khi công nghệ đang dần dần chiếm lĩnh thị trường thế giới, việc áp dụng chuyển đổi số chính là tạo được “bàn đạp” vững chắc, tối ưu được tất cả những công cụ quản trị chiến lược, dự án, quản lý nhân sự, giảm thiểu lãng phí nguồn nhân lực lẫn trí lực để thúc đẩy và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, ngoại trừ số ít những tập đoàn lớn có nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số, đa số còn lại vẫn đang chần chừ chưa muốn chuyển đổi mặc dù biết rằng dù sớm hay muộn cũng phải thực hiện nếu muốn tồn tại và thích nghi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế chưa có dấu hiệu khả quan.
Hiện nay chỉ với một khoản tiền nhỏ, một doanh nghiệp bất động sản có thể sở hữu những công nghệ và hệ thống chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên công nghệ không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công của chuyển đổi số mà sự thành công đó phải nằm trong tư duy, trong cách nhân viên tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Nếu nhân viên không có tư duy số hóa thì kể cả áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất thì doanh nghiệp đó cũng khó chuyển đổi thành công được.
Có thể nói xu hướng chuyển đổi số đang mở ra cho doanh nghiệp bất động sản những cơ hội để tiếp cận khách hàng với chi phí rẻ hơn, dễ dàng thực hiện các chiến dịch digital marketing hấp dẫn, nhanh chóng và hiệu quả cùng một lúc. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi số là câu chuyện không hề dễ dàng, đòi hỏi các doanh nghiệp cần thích nghi để có những hướng đi vững chắc trong tình hình mới.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.